Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2006-2009, do có quan hệ tình cảm, Nguyễn Thị Dậu (60 tuổi) và Trần Văn Phụng (55 tuổi, đều ở Thanh Xuân, Hà Nội) cùng nhau thành lập hai công ty kinh doanh buôn bán phụ tùng ôtô tại Hà Nội, Quảng Ninh.
Từ năm 2010 đến 2014, Dậu còn thành lập thêm 6 công ty chỉ với mục đích bán hóa đơn giá trị gia tăng. Phụng giúp Dậu mượn giấy tờ tùy thân, nhờ cả người quen đứng tên giám đốc, cho người tình mượn địa điểm đặt trụ sở các công ty. Những người được nhờ đứng tên giám đốc đều không biết công ty của Dậu kinh doanh gì. Dậu thuê Bùi Thị Hương phụ trách kế toán, nhiệm vụ đăng ký thủ tục, kê khai và nộp tờ khai, lập báo cáo với cơ quan thuế định kỳ..
Trong vòng hơn năm năm, tám công ty của Dậu và Phụng đã bán 540 hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng tiền ghi gần 200 tỷ đồng. Việc này làm thất thoát gần 20 tỷ tiền thuế.
Khách hàng lớn nhất Dậu là Lê Văn La (54 tuổi) với hơn 500 hóa đơn với tổng tiền gần 190 tỷ đồng để hợp thức đầu vào cho một công ty xuất nhập khẩu nhằm mục đích trốn thuế.
La khai được giao khoán tìm nguồn hàng là các loại phụ tùng ôtô chuyên dụng để bán cho một công ty nhà nước ở Quảng Ninh sử dụng thay thế sửa chữa cho các xe ôtô chuyên vận tải khai thác mỏ than.
La đã mua phụ tùng ôtô trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, có giá rẻ rồi bán cho công ty này, trong khi hợp đồng ghi nội dung mua bán hàng mới, có nguồn gốc xuất xứ của Nhật, Mỹ….
Để hợp thức nguồn gốc hàng hóa mua trôi nổi này, La bắt tay với Dậu. Mỗi hóa đơn La trả cho Dậu 10% trên tổng giá trị tiền hàng ghi trong đó. La hưởng lợi tiền chênh lệch từ việc mua hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, bán giá cao.
Sau một ngày xét xử sơ thẩm, chiều 16/8, TAND Hà Nội tuyên phạt Lê Văn La 36 tháng tù treo về tội Trốn thuế. Phụng, Hương, Dậu bị tuyên phạm tội Mua bán trái phép hóa đơn và nhận các mức án từ 15 tháng tù treo tới 27 tháng 4 ngày tù.
Điều 161: Tội trốn thuế 1. Người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232,233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm. 2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế Điều 164a: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước 1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; đ) Thu lợi bất chính lớn; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” |
Bảo Hà