- Thưa bà, hiện tượng La Nina đang diễn ra thế nào?
- Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, từ đầu năm 2007, các điều kiện của khí quyển và đại dương phát triển nghiêng về pha lạnh của ENSO (các nhiễu động nhiệt độ của nước biển vùng xích đạo Thái Bình Dương), tức là La Nina. Đến tháng 8/2007, hiện tượng La Nina từ trung bình đến mạnh đã được hình thành ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương và có khả năng duy trì trong các tháng 4, 5, 6 năm 2008, sau đó yếu đi. Chính điều này đã tác động đến diễn biến của khí hậu toàn cầu, khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
- Vậy La Nina tác động thế nào tới Việt Nam trong 3 tháng tới?
- Tác động chính của La Nina đến khu vực phía Tây Thái Bình Dương xích đạo là làm giảm nền nhiệt độ và tăng lượng mưa. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã có ở Việt Nam cho thấy, hiệu ứng của La Nina chỉ rõ rệt đối với nhiệt độ. Riêng về lượng mưa, một nửa số năm La Nina cho lượng mưa vượt trội so với trung bình và một nửa số năm La Nina cho lượng mưa hụt chuẩn (thấp hơn so với trung bình).
Trong 3 tháng tới, tổng hợp các dự báo của thế giới và sản phẩm dự báo khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường), có thể nhận định: Nhiệt độ có khả năng thấp hơn so với trung bình trên phần lớn diện tích lãnh thổ. Lượng mưa có khả năng xấp xỉ và vượt trung bình trên phần lớn diện tích nước ta với dao động từ 0 đến 200 mm.
Bể bơi là điểm đến của nhiều người trong mùa hè. Ảnh: Hoàng Hà |
- Với tác động của La nina, mùa hè ở miền Bắc sẽ ra sao?
- Khả năng nhiệt độ nước ta có thể thấp hơn đến xấp xỉ trung bình xảy ra trong suốt mùa hè và có khả năng duy trì đến hết năm. Mùa hè ở miền Bắc nhiệt độ có thể thấp hơn đến xấp xỉ trung bình thời kỳ chuẩn (trung bình thời kỳ 1971-2000).
Cơ sở để đưa ra nhận định trên là ENSO có khả năng duy trì ở pha lạnh (La Nina) trong những tháng đầu hè, sau đó sẽ trở về trạng thái trung gian và duy trì cho đến hết năm với nhiệt độ mặt nước biển thấp hơn so với trung bình ở xích đạo Thái Bình Dương.
- Nhiệt độ thấp hơn thì miền Bắc có bớt đi những đợt nắng gay gắt?
- Về vấn đề nắng nóng trong mùa hè nhìn chung không thấy có một quy luật rõ rệt nào cả. Thực tế mùa hè của năm bình thường, năm El Nino hay năm La Nina thì nắng nóng vẫn xảy ra, chỉ khác nhau ở chỗ mức độ biểu hiện. Mỗi năm trung bình (thời kỳ từ 1975-2007) có 10-12 đợt nắng nóng, nhưng cũng có tới 16-17 đợt như các năm 1981, 1990, 2003. Ngược lại có năm chỉ 6-7 đợt như năm 2004, 2002 và gần đây nhất là năm 2007 cũng chỉ có 9 đợt nắng nóng.
Cũng cần hiểu rõ rằng số đợt nắng nóng nhiều hay ít chưa nói lên được mức độ của nắng nóng. Nắng nóng có được xem là gay gắt hay không phụ thuộc vào thời gian kéo dài và đỉnh nhiệt độ (nhiệt độ tối cao tuyệt đối phải từ 35 độ trở lên và độ ẩm không khí từ 55% trở xuống).
Theo thống kê của chúng tôi, nắng nóng thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8, cũng có năm sớm hơn (tháng 3, thậm chí tháng 2), có năm kết thúc muộn hơn (tháng 9). Tuy nhiên, nắng nóng thường tập trung nhiều nhất và nhiệt độ cũng đạt cao nhất vào các tháng 4, 5 và 6.
Bà Đào Thị Thúy: "Vào năm La Nina thì thời tiết khí hậu diễn biến bất thường hơn, thiên tai xảy ra nhiều hơn, dồn dập hơn". Ảnh: H.K. |
- Miền Nam bước vào mùa mưa, bà nhận định gì về mùa mưa ở khu vực này?
- Tổng hợp tất cả dự báo về diễn biến khí hậu trên thế giới, khu vực và kết hợp với kết quả của các mô hình dự báo khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng – Khí hậu, chúng tôi nhận định: nhiều khả năng lượng mưa ở Việt Nam trong năm 2008 sẽ ở mức xấp xỉ đến cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, đối với miền Nam, lượng mưa năm nay cũng có thể ở mức gần đến cao hơn so với trung bình.
- Năm nay, theo dự báo, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của mấy cơn bão?
- Trên cơ sở tổng hợp dự báo về bão và áp thấp nhiệt đới của thế giới, kết hợp với mô hình dự báo khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng – Khí hậu, chúng tôi nhận định: số bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ xấp xỉ đến cao hơn trung bình một chút (khoảng 27-28 cơn). Còn số bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông có khả năng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 12-15 cơn).
Hiện chưa có mô hình dự báo về bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng theo thống kê thì hằng năm có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng tới nước ta.
- Với sự tác động của La Nina, bà có khuyến cáo gì với người dân?
- Vào những năm bình thường, thời tiết vẫn có những diễn biến bất thường, thiên tai vẫn xảy ra. Vào năm El Nino hay năm La Nina thì thời tiết khí hậu diễn biến bất thường hơn, thiên tai xảy ra nhiều hơn, dồn dập hơn. Trong xu thế nhiệt độ nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những nước được cảnh báo là chịu ảnh hưởng lớn từ hiện tượng này, do vậy chúng ta phải liên tục cập nhập thông tin để kịp thời có những hoạt động thiết thực đối phó. Người dân phải có hành động tích cực, thân thiện với môi trường nhằm góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai.
Hồng Khánh thực hiện