Thứ ba, 21/1/2025
Thứ bảy, 2/9/2017, 00:00 (GMT+7)

Mùa giữ lúa trời của người A Rem

Cây lúa rẫy trồng trên sườn đồi, không tưới tắm hay bón phân nhưng vẫn trĩu hạt, cung cấp nguồn lương thực chính cho người A Rem.

Sau 25 năm từ giã núi rừng, sống tập trung, người A Rem đã biết lao động, trỉa lúa, trồng ngô. Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay cả bản có ba điểm rẫy, với trên 60 hộ dân trồng lúa nương. Những đám rẫy chênh vênh giữa sườn đồi, xung quanh là cây rừng xanh tốt.

Cây lúa trồng trên đồi dốc, không cần hệ thống thủy lợi hay phân bón. Người A Rem chỉ dành ít thời gian làm cỏ. Do đó, dân bản gọi đây là lúa trời, từ nhiều đời nay được hay mất mùa đều phó mặc cho ông trời.

Đất đai màu mỡ giúp cây lúa của người A Rem tốt tươi, cao quá ngực người. Người dân gieo hạt bằng cách chọc lỗ, tra hạt. Một người đi trước chọc lỗ, người theo sau gieo nắm hạt rồi lấp đất.

Ông Nguyễn Chí Sỹ nói lúa rẫy người A Rem có vị dẻo, thơm riêng biệt, "nhưng vì sản lượng không đủ ăn nên không có lúa bán ra bên ngoài". Hàng năm, người A Rem còn được cấp gạo nhờ bảo vệ 4.000 ha rừng nguyên sinh.

Mùa lúa rẫy kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Vào hai tháng cuối vụ, cây ra hoa kết hạt, hương thơm ngát trở thành miếng ăn ngon của lợn và chuột rừng. Nhằm bảo vệ lúa, nguồn lương thực chính, người A Rem kéo nhau ra dựng lán trại ở rẫy, xua đuổi những con thú phá hoại.

Họ dựng lán bằng tre và lá cây. Người A Rem không xâm hại cây rừng để dựng lán kiên cố, vì sau mùa rẫy, họ đốt nương rồi đốt luôn lán. Họ cũng không phá rừng làm rẫy mà luân phiên trên những đám rẫy đã có từ trước. 

Cả vợ lẫn chồng đều xuống rẫy ở nên họ mang theo cả trẻ em, người già, chó và gà vịt. Rẫy trở thành căn nhà thứ hai, gắn bó với cuộc đời làm nông của người A Rem.

Ngoài trồng lúa, người A Rem canh tác thêm cây vừng, ngô, rau khoai và một số gia vị xen giữa cây lúa. Họ cũng biết chăn nuôi, có đàn bò hàng trăm con. Nhiều gia đình sắm được tivi, xe máy, điện thoại đắt tiền. 

Hoàng Táo