Khoảng 1h30 ngày 6/6, nhiều xã của huyện Phúc Thọ có mưa to kéo dài chừng một tiếng, rồi rả rích đến 7h mới chấm dứt.
"Thời tiết mát mẻ dễ chịu hẳn, bà con vui sướng như được mùa", một người dân xã Tích Giang (Phúc Thọ) chia sẻ. Nhiều ngày qua nông dân rất mong mưa vì cây cối bắt đầu có dấu hiệu khô héo.
Một số xã của huyện Đan Phượng cũng mưa to. "Tôi và rất nhiều người đi trên quốc lộ 32 bị cơn mưa xối xả làm ướt. Tuy nhiên, khi đến đoạn Hoài Đức, trời lại khô ráo", một phụ nữ đi làm sớm cho biết.
Tới 8h, mưa lan rộng hơn ở các huyện ngoại thành. Trung tâm thủ đô chưa có mưa, nhưng nắng không còn gay gắt, nhiệt độ 31 độ C (giảm 3 độ so với ngày trước). Riêng khu vực Mỹ Đình, Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) có mưa bóng mây kéo dài khoảng chục phút.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hai ngày tới miền Bắc có mưa giông.
Hà Nội và các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Hòa Bình trong chiều và đêm nay có mưa to kèm giông. Trong cơn giông, người dân cần đề phòng tố lốc, mưa đá.
Đợt nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung bắt đầu từ 1/6 do tác động của vùng áp thấp nóng phía tây và hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh. Hà Nội nằm ở trung tâm vùng áp thấp nóng, kết hợp với hiệu ứng bê tông, ít cây xanh nên nhiệt độ cao hơn hẳn các khu vực, đạt 41-42 độ C.
Trạm khí tượng Hà Đông và Láng ghi nhận mức nhiệt vượt giá trị lịch sử. Hà Đông nóng nhất vào hè 2008 với 39,8 độ, nhưng ngày 4/6 lên 42,5 độ. Trạm Láng cao nhất 40,4 độ vào hè năm 1971, riêng ngày 4/6 là 41,8 độ. Đây là nhiệt độ trong lều khí tượng, cách mặt đất 2 m, ngoài trời cao hơn 4-6 độ C.
Xem thêm video người dân chui hầm đường bộ tránh nóng.
Từ ngày 7 đến 8/6, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo một đợt lũ nhỏ sẽ xuất hiện trên thượng lưu sông Thao, sông Lô, sông Cầu với biên độ lũ lên ở thượng lưu 1-2 m. Đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Lô tại Tuyên Quang, sông Cầu tại Đáp Cầu đều ở mức dưới báo động 1. |
Phạm Dự - Phạm Hương