Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ năm, 5/1/2023, 17:37 (GMT+7)

Mùa đông không lạnh ở châu Âu

Đợt thời tiết ấm "cực đoan" quét qua nhiều khu vực ở châu Âu trong dịp đầu năm, gióng lên hồi chuông về hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Người dân tận hưởng nhiệt độ ấm áp trên bờ biển ở Malaga, miền nam Tây Ban Nha, ngày 4/1.

Ít nhất 8 quốc gia châu Âu bao gồm Ba Lan, Đan Mạch, Cộng hòa Czech, Hà Lan, Belarus, Litva và Latvia, đã ghi nhận nhiệt độ ngày trong tháng 1 ấm nhất lịch sử, theo dữ liệu do nhà khí hậu học Maximiliano Herrera thu thập và công bố ngày 2/1. Herrera gọi đây là "hiện tượng thời tiết cực đoan nhất trong lịch sử châu Âu".

Một người đàn ông bơi trong hồ theo truyền thống ngày đầu năm mới ở Warsaw, Ba Lan, ngày 1/1.

Ở Korbielow, Ba Lan, nhiệt độ hôm 1/1 lên tới 19 độ C, mức nhiệt thường ghi nhận vào tháng 5, và cao hơn 18 độ C so với mức trung bình 1 độ C vào tháng 1 hàng năm.

Một phụ nữ lớn tuổi đạp xe dưới ánh nắng ở Mittenwalde, Đức, ngày 3/1. Cơ quan khí tượng Đức đã ghi nhận mức nhiệt 20 độ C, mức cao nhất trong tháng 1 kể từ khi thu thập dữ liệu năm 1881.

Alex Burkill, nhà khí tượng học cấp cao tại Cơ quan thời tiết quốc gia Vương quốc Anh (MET), cho hay khối không khí ấm hình thành ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi đã di chuyển về phía đông bắc qua châu Âu từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, bị áp suất cao trên Địa Trung Hải kéo vào.

"Khối không khí này lan rộng sang Đan Mạch, Cộng hòa Czech, gần như toàn bộ nước Đức, khiến nhiệt độ tháng 1 tăng kỷ lục", Burkill nói.

Người dân tắm nắng bên ngoài Bảo tàng Guggenheim, Bilbao ngày 4/1.

Thành phố lớn nhất miền bắc Tây Ban Nha này đã ghi nhận mức cao kỷ lục 25 độ C hôm 1/1.

Đợt ấm bất thường diễn ra trong mùa trượt tuyết, khiến nhiều chuyến đi bị hủy bỏ, các con dốc bị bỏ trống. Miền tây nam nước Pháp ghi nhận nhiệt độ lên tới 25 độ C trong ngày 1/1, nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết vắng vẻ do không có tuyết.

Trong ảnh, du khách trượt tuyết nhân tạo ở dãy Alps, Thụy Sĩ, ngày 4/1. Quốc gia này cũng nghi nhận mức nhiệt ấm kỷ lục trong tháng đầu năm.

Một máy làm tuyết nhân tạo trên đỉnh núi Jahorina gần Sarajeve, thủ đô Bosnia và Herzegovina, ngày 4/1.

Ngọn núi này từng là nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 1984. Nhưng máy làm tuyết cũng không thể cứu vãn thời điểm lẽ ra phải là mùa cao điểm trượt tuyết trong năm.

Trung tâm trượt tuyết tại Sarajeve, Bosnia và Herzegovina, ngày 4/1.

Một sự kiện trượt tuyết nhảy xa ở Zakopane, miền nam Ba Lan, vốn được lên kế hoạch vào ngày 7-8/1 đã bị hủy bỏ. Các khu nghỉ dưỡng ở vùng Asturias, Leon và Cantabria miền bắc Tây Ban Nha đã đóng cửa kể từ kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do không có tuyết.

Người dân tắm nắng ở Bilbao, Tây Ban Nha, ngày 4/1. "Như mùa hè vậy", một cư dân nói, cho biết mùa đông hàng năm tại thành phố thường xảy ra mưa rét.

Nhà khí tượng học Scott Duncan cho hay rất khó xác định nguyên nhân của đợt ấm, có thể do La Nina hay nhiệt độ ấm bất thường trên bề mặt biển.

"Tuy nhiên, hai điều này không mới, vậy điều gì khiến thời tiết đầu năm nay ấm như thế?", ông đặt câu hỏi, cho rằng khí quyển và đại dương ấm lên khiến ngày càng nhiều kỷ lục bị phá vỡ.

Trẻ em chơi đùa tại vòi phun nước ở Bilbao, Tây Ban Nha, ngày 4/1.

"Mùa đông đang trở nên ấm hơn ở châu Âu do nhiệt độ toàn cầu tăng lên", Freja Vamborg, nhà khoa học khí hậu tại Cơ quan nghiên cứu về biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết.

Ảnh: AFP/Reuters