Người gửi: TTKH,
Mua đĩa CD, VCD trắng cũng phải trả tiền bản quyền? Một dự thảo thật vô lý vì trong khi nhà nước đang chật vật bình ổn giá cả thì lại có những người nghĩ ra những cách để người tiêu dùng phải gánh thêm những chi phí linh tinh như vậy. Lý do Cục Bản Quyền đưa ra thật không thuyết phục.
1. Không hiểu sao ông Cục trưởng Chu lại có thể có một thống kê thật không khoa học rằng số lượng đĩa sản xuất và nhập khẩu chính thức khoảng 260 triệu đĩa trắng một năm tại VN. Các công ty băng đĩa sử dụng 170 triệu đĩa thì số lượng chênh lệch 90 triệu còn lại ngay lập tức bị cho rằng “có thể được sử dụng cho mục đích sao chép băng đĩa lậu”. Chính ông cũng thừa nhận rằng còn một lượng lớn đĩa nhập lậu, vậy thì ông đang đặt gánh nặng lên vai những người làm ăn chân chính hay muốn khuyến khích người ta nhập lậu không khai báo.
2. Không nhà sản xuất nào chấp nhận lỗ lã cả. Mọi chi phí suy cho cùng cuối cùng cũng sẽ bị quy ra giá thành bán sản phẩm và người tiêu dùng chân chính là người duy nhất gánh chịu. Trong thời buổi gạo châu củi quế này thì giải trí đã khó giữ được chỗ đứng trong ngân sách các gia đình. Muốn khuyến khích người dân sử dụng băng đĩa gốc mà lại tăng giá thành trong khi băng đĩa lậu thì tràn lan ngoài thị trường thì liệu có hợp lý không?
3. Đĩa quang là thiết bị lưu trữ dữ liệu. Dữ liệu thì có muôn hình vạn trạng chứ đâu chỉ đơn thuần là copy nhạc như Cục Trưởng nói. Chẳng hạn công ty tôi quy định mỗi tháng update tất cả dữ liệu kinh doanh vào một đĩa riêng biệt để dễ quản lý, vậy thì công sức của tôi tại sao tôi phải đi trả công cho ai?
Thậm chí có trục trặc kỹ thuật phải bỏ hết 2-3 cái đĩa mới update hoàn thì những cái hư hỏng bỏ thùng rác cũng phải trả bản quyền? Hay như dự án báo giá công trình đôi khi cũng được copy vào CD để chuyển đến khách hàng, tôi bỏ công ra làm tại sao lại phải tốn tiền trả bản quyền? Đó là còn chưa kể đến thành phần sinh viên phải copy lại đồ án, bài tập mình làm để nộp; hay đơn giản hơn là khi muốn copy 1 số hình ảnh từ digital camera của mình để mang ra tiệm in thì chẳng lẽ tôi lại phải đóng tiền bản quyền cho những tấm hình chụp chính mình?
4. Tiền bản quyền theo tôi hiểu nôm na là khoản tiền phải trả khi tôi sử dụng sản phẩm của người khác. Vậy 1 cái đĩa trắng chỉ là cái tôi mua để copy thành quả công việc chính tôi làm thì hà cớ gì tôi phải tốn thêm tiền bản quyền? Cái đĩa trắng không nội dung thì chứa thành quả của ai trong đó?
5. “Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam thu tiền bản quyền và phân phối lại cho các chủ thể quyền có liên quan theo thỏa thuận. Một phương án khác là hiệp hội này thu tiền, giữ lại 20% làm kinh phí hoạt động và lập quỹ khuyến khích sáng tạo, phần còn lại chia 36% cho chủ sở hữu quyền tác giả, 32% cho người biểu diễn và 32% cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.”
Tại sao lại phải chia cho nhà sản xuất hay người biểu diễn trong khi những người đó còn phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả? Chủ sở hữu quyền tác giả là ai trong khi đó chỉ là 1 cái đĩa trắng không nội dung, không dữ liệu? Lấy cơ sở nào để xác định chủ sở hữu quyền tác giả trong khi không ai biết cái đĩa đó sẽ được chép phim ảnh, nhạc, hay chỉ là số liệu kinh doanh, hoặc thậm chí “hạ cánh” trong sọt rác do chất lượng kém?
6. “Doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị định hình, thiết bị sao chép như máy quay phim, máy chụp hình, đầu đĩa... cũng phải nộp tiền bản quyền là 2% trên 65% giá bán thiết bị.”
Thật là vô lý nếu như tôi sử dụng băng đĩa chính gốc thì trong đó đã có bản quyền sao lại phải trả cho đầu đĩa như vậy. Chẳng lẽ tôi dùng điện để chạy đầu đĩa thì mai mốt cũng tính phí bản quyền vào điện hay sao? Máy chụp hình quay phim với mục đích cá nhân tôi thì tại sao tôi phải đi trả tiền cho ai?
7. “Những đơn vị nhập khẩu đĩa quang cũng phải nhận hàng có mã số. Đĩa quang không có mã số sẽ bị xem là đĩa lậu và bị xử lý. Người tiêu dùng cũng phải sử dụng đĩa có mã số.”
Nhà nhập khẩu VN vốn nhập nhỏ lẻ, nhập hàng nguyên đai nguyên kiện thì làm sao có thể yêu cầu đóng dấu mã số thao yêu cầu như vậy. Nếu tôi cần gấp chạy ra tiệm mua 1 cái CD trắng lẻ thì bao bì nhãn hộp còn không có làm sao có được mã số?
8. Nếu cứ theo lập luận của ông Cục Trưởng thì không riêng gì đĩa quang mà sau này có vô số mặt hàng thượng vàng hạ cám đều bị đem ra tính phí vô tội vạ. Từ đĩa cứng, đĩa mềm, USB, thẻ nhớ Ipod, băng từ cho đến điện thoại di dộng, camera, máy quay phim, máy photo, computer có lẽ tương lai không xa sẽ cùng chung số phận. Không chừng sau này cả giấy in cũng bị tính phí với lý do là “có lẽ” phần trăm nào đó được sử dụng để copy sách lậu hay là in lậu chăng?
9. Băng đĩa lậu tràn lan, bản quyền bị xâm hại là do cục không làm tốt chức năng quản lý kiểm soát của mình. Trong khi một người dân không có trình độ vẫn có thể dễ dàng biết chỗ mua băng đĩa lậu thì các ngành chức năng không thể nào không biết, không nghe, không thấy như vậy được.
Danh không chính, ngôn không thuận thì làm sao đắc nhân tâm. “Mục đích của dự thảo là siết lại việc quản lý và sử dụng đĩa quang để hạn chế nạn xâm phạm bản quyền", có thực hiện được không hay chỉ là một loại phí nữa góp phần đẩy giá cả leo thang và hệ quả là băng đĩa chính hiệu ngày càng trở nên xa xỉ đối với ngườ i dân. Cho dù là “đột lốt” phí bản quyền hay là gì đi nữa, thiết nghĩ 1 khoản phí vô lý như được nêu trong dự thảo luật sẽ càng làm lao đao những nhà sản xuất băng đĩa chân chính và đẩy người dân đến với băng đĩa lậu mà thôi. Mong sao dự thảo vĩnh viễn sẽ chỉ là dự thảo trên giấy vì có quá nhiều hạt sạn như vậy.