Tân Thới Nhì có tổng diện tích gần 1.800 ha, được chia thành hai vùng rõ rệt. Nếu như phía tây bắc còn là đất nông nghiệp, dân cư thưa thớt, thì vùng đông nam lại là thị tứ với các khu dân cư, thương mại, dịch vụ tập trung. Khu thị tứ này nằm dọc trục giao thông chính là quốc lộ 22, trong đó, các ấp tập trung đông dân cư của xã là Dân Thắng 1, Dân Thắng 2, Thống Nhất 1, Thống Nhất 2, Tân Sinh. Đất trong khu vực phần lớn là thổ cư, một ít là đất vườn xen kẽ với đất nông nghiệp.
Khu vực tây bắc bao gồm các ấp Nhị Tân 1, Nhị Tân 2, với phân nửa diện tích xã trải dài trên hai bờ kênh An Hạ. Phía bắc, giáp kênh Thầy Cai, là ranh huyện Củ Chi, phía tây và phía nam giáp đường Dương Công Khi, xã Xuân Thới Sơn. Hiện tại, giá đất nơi đây thấp hơn nhiều so với vùng đông nam song hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Quy hoạch và giao thông
Vùng đất nông nghiệp của xã Tân Thới Nhì được kênh An Hạ cắt ngang theo hướng bắc - nam, hai bên bờ kênh là hai đường giao thông tạo điều kiện cho khu vực phát triển. Đường Đặng Công Bỉnh ở bờ phía đông đã được tráng nhựa, từ cầu Bông trên quốc lộ 22 đến tỉnh lộ 10 tại đầu cầu Xáng, huyện Bình Chánh (nơi có khu đô thị vệ tinh Cầu Xáng với diện tích khoảng 800 ha). Bên bờ tây của kênh An Hạ là đường đất đỏ rộng khoảng 10 m, đi cặp theo kênh An Hạ từ Cầu Lớn (theo quy hoạch, tại đây bố trí thị tứ Cầu Lớn) trên đường Nguyễn Văn Bứa đến cầu An Hạ (cầu Bông) trên quốc lộ 22, rồi ngoặt về bờ nam kênh Thầy Cai, đi về hướng Long An. Con đường này ôm trọn vành đai ấp Nhị Tân 2 và từ đây nối với đường Tam Tân ở bờ nam kênh Thầy Cai, nối với đường Đặng Công Bỉnh ở bờ đông kênh An Hạ bằng các cầu xi măng, đủ rộng cho xe gắn máy qua lại.
Dải đất dọc theo bờ đông được quy hoạch làm khu dân cư ven kênh An Hạ, diện tích khoảng 200 ha, chủ yếu là khu dân cư nhà vườn với những hồ nước, vườn cây ăn trái phục vụ nhu cầu giải trí và nghỉ ngơi. Còn khu đất thuộc ấp Nhị Tân 2 nằm giữa kênh An Hạ và kênh Thầy Cai, do nền đất thấp nên sẽ hình thành cụm đô thị sinh thái phục vụ nhu cầu nghỉ và du lịch. Nằm giữa khu dân cư An Hạ và khu công nghiệp Tân Phú Trung (của huyện Củ Chi), nên người dân nơi đây sẽ tiếp nhận các lợi ích của hạ tầng đang được xây dựng.
Giao dịch kinh doanh đất
Phần đất phía bờ đông kênh An Hạ đã có nhiều người đến tìm mua và cũng đã có nhiều điểm môi giới nhà, đất dọc theo tuyến đường Đặng Công Bỉnh. Một số người đã mua đất ven hai bờ kênh An Hạ cho biết, giá chào bán ở đây hiện cao hơn giá bán khoảng 15% - 20%. Phía bờ tây trong khu vực ấp Nhị Tân 2 còn khá hoang vu, người môi giới chủ yếu là ở bờ đông tiếp cận với khách xong, hẹn với chủ đất rồi mới tiếp xúc trao đổi giá cả được. Riêng khu vực phía đông nam, trong khu thị tứ, hiện nay giá đất khá cao, việc mua bán các miếng đất trống xen kẽ trong khu dân cư cũng diễn ra nhộn nhịp.
Một số mức giá tham khảo:
- Đường Đặng Công Bỉnh: mặt tiền đoạn giáp cầu Mới khoảng 600.000-700.000 đồng/m2, phần giáp quốc lộ 22: khoảng 800.000-1 triệu đồng/m2. Lô 2, có đường rộng 5 m vào đến nơi khoảng 450.000-550.000 đồng/m2. Các lô đất nông nghiệp nằm phía trong lô 2, không có đường vào khoảng 200.000-250.000 đồng/m2
- Đường bờ tây kênh An Hạ: mặt tiền đoạn giáp cầu Mới khoảng 300.000-350.000 đồng/m2, càng gần về phía quốc lộ 22 giá càng thấp đến khoảng 100.000 đồng/m2. Lô 2 khoảng 50.000-70.000 đồng/m2
- Đường Dương Công Khi: khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/m2; đất thổ cư xen kẽ trong các khu dân cư khoảng 900.000 - 1 triệu đồng/m2
- Đường Lê Lợi và đất xen kẽ trong khu dân cư ấp Thống Nhất 1 và Dân Thắng 2: khoảng 1,3-1,7 triệu đồng/m2.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)