Đầu giờ chiều, cơn giông kéo đến nhiều xã của huyện miền núi A Lưới. Đến khoảng 14h50, mưa đá bắt đầu xuất hiện ở xã Đông Sơn và Hương Lâm, kéo dài trong 7 phút. Đến 15h02, mưa đá tiếp tục trong 4 phút.
Chị Trang, ở xã Hương Lâm, kể đang ở nhà thì trời nổi cơn giông kèm sấm sét. Ngay sau đó, đá bắn liên tiếp vào mái tôn, bắn cả vào thềm nhà. Viên đá to bằng đầu ngón tay. "28 năm cuộc đời, lần đầu tiên tôi thấy mưa đá", chị Trang nói.
Theo Trạm Khí tượng A Lưới, hai trận mưa đá cách nhau ít phút, diễn ra trong thời gian ngắn kèm theo gió giật mạnh 10-15 m/s (cấp 6-7). Kích thước lớn nhất của hạt mưa đá là 2,3 cm, nhỏ nhất 0,05 cm.
Một số diện tích ngô, lúa của người dân hai xã Hương Lâm và Đông Sơn bị mưa đá gây hư hại.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, giải thích mưa đá hình thành từ các đám mây đối lưu (mây phát triển thẳng đứng, hình thành bởi dòng thăng của không khí trong hoạt động đối lưu khí quyển). Qua theo dõi ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu phát triển gây mưa giông tại huyện A Lưới và Nam Đông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng cảnh báo đêm nay và ngày mai, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Do nền nhiệt khu vực đang cao, phổ biến 32-34 độ, nên dễ gây ra sự xung đột, làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá.
Mưa đá thường xuất hiện ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ vào các tháng 3-4 và 10-11, khi thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang nóng và ngược lại.
Võ Thạnh