Gần 14h, trong cơn mưa giông lớn, anh Tài, 40 tuổi, nhà trên đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, nghe tiếng "bốp, bốp" trên mái tôn kéo dài gần chục phút. Thấy lạ, anh ra sân quan sát, phát hiện hàng loạt viên đá bằng đầu ngón tay rơi xối xả xuống đất. "Hạt đá nhỏ, tan nhanh khi tôi cầm lên. Đây là lần đầu tôi thấy mưa đá ở Sài Gòn", anh Tài nói.
Tương tự, cách đó khoảng 3 km, chị Hồng Trâm cùng nhiều người chạy xe máy trên đường Tây Thạnh phải dừng lại vì mưa đá xối xả vào người, đau điếng. Các viên đá có đường kính khoảng 0,5 cm.
Ngoài quận Tân Phú, người dân sống tại một số khu vực ở quận Tân Bình cũng nhìn thấy mưa đá.

Mưa đá có kích thước bằng ngón tay út xuất hiện ở quận Tân Phú. Ảnh: Hồng Trâm
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết mưa đá thường xuất hiện ở Bắc Bộ do địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở TP HCM và Nam Bộ do biến đổi khí hậu, nắng nóng sau đó mưa đột đột.
Theo bà Lan, hiện tượng này xảy ra do mây đối lưu phát triển mạnh. Tại TP HCM, nhiều ngày trước nắng nóng oi bức làm cho độ bất ổn định của không khí lớn, hình thành mây giông. Khi mây giông lên tới 7-8 km độ cao, nước mưa bên trong đám mây ngưng tụ thành nước đá. "Nắng nóng oi bức giữa mùa mưa rất dễ hình thành mưa đá", bà Lan nói.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết hiện mây giông vẫn phát triển mạnh và gây mưa rào kèm giông ở hầu hết khu vực TP HCM và nhiều tỉnh thành khác ở Nam Bộ.
Đình Văn