Khoảng 1h30, tại đỉnh Fansipan mưa đá kéo dài khoảng 15 phút, trong đó hơn 5 phút với lượng dày đặc, kích thước hạt đá khoảng 2-3 cm. Khoảng thời gian còn lại, kích thước hạt nhỏ hơn, 1,5-2 cm.
Khi kết thúc, mặt sàn cảnh quan tại đỉnh Fansipan phủ lớp đá dày khoảng 2 cm. Nhiều tiểu cảnh hoa tươi của khu du lịch trên đỉnh núi bị dập nát.

Mưa đá rơi dày đặc ở đỉnh Fansipan, Lào Cai. Ảnh: Lan Hương
Trước đó 18h15 ngày 4/2, thành phố Điện Biên Phủ và một số huyện lân cận của tỉnh Điện Biên xuất hiện mưa đá cùng giông lốc. Mưa đá với mật độ dày kéo dài khoảng 10 phút, sau đó giảm dần.
Chị Nguyễn Thị Hằng, sống tại TP Điện Biên, cho biết mưa đá kèm theo gió lớn khiến các hạt đá bay nhanh hơn, va vào mái tôn tạo ra tiếng động lớn. "Nhiều năm nay mới lại thấy mưa đá lớn như vậy, cả nhà tôi bốn người phải sang hàng xóm để trú nhờ vì sợ mưa làm thủng mái", chị Hằng nói.

Đá trắng vườn nhà dân ở TP Điện Biên. Ảnh: An Nhi
Giông lốc cũng khiến nhiều cây xanh, biển quảng cáo, mái nhà ở TP Điện Biên Phủ bị hư hại. Nhiều ôtô đỗ bên đường bị đá rơi làm vỡ kính. Đá rơi cũng phủ trắng nhiều cánh đồng khiến hoa màu bị hỏng. Thiệt hại chưa thể thống kê.
Mưa đá thường xuất hiện trong giai đoạn chuyển tiếp từ mùa lạnh sang nóng (tháng 4-6), hoặc từ mùa nóng sang lạnh (tháng 9-11). Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm nay mưa đá xuất hiện sớm do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên độ cao 3.000-5.000 m. Những ngày tới, chưa thấy hình thái này tiếp tục xuất hiện, thời tiết chủ yếu là nồm ẩm.