Mưa đá ở Sơn Tây, Hà Nội.
Hội tụ gió trên cao kết hợp không khí lạnh tăng cường đã gây mưa rào diện rộng một số nơi ở Hà Nội, trong đó xã Đường Lâm (Sơn Tây) xuất hiện mưa đá lúc 16h50, đường kính hạt lớn nhất 2,5 cm.
"Tiếng rầm rầm trên mái nhà khiến cả gia đình tôi giật mình chạy ra xem, hóa ra là mưa đá. Ban đầu nó rơi thưa thớt, sau đó tăng dần cả về số lượng và kích thước", anh Nguyễn Huy Ba, người dân địa phương nói.
Mưa đá chỉ diễn ra trong 15 phút, sau đó trời hửng nắng. Anh Ba cho biết, phải đến 15 năm nay người dân nơi đây mới được chứng kiến cảnh tượng này. Trước đây, hạt mưa đá không có kích thước lớn như vậy.
Không chỉ Hà Nội, gần 17h tại một số huyện như Đà Bắc, Kim Bôi, Cao Phong, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình cũng xuất hiện mưa đá trong 5-7 phút, có hạt đường kính đến 3 cm. Địa phương đang thống kê thiệt hại.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa đá có thể tiếp tục xuất hiện vào ngày mai ở vùng núi Bắc Bộ do tác động của không khí lạnh.
Tại Việt Nam, mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi, ở đồng bằng ít hơn. Hiện tượng này thường hình thành trong các tháng chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4-6), hoặc từ mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9-11). Sự tranh chấp giữa hai khối không khí nóng và lạnh tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh, gây mưa giông kèm mưa đá.