Theo lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa đá rải rác xảy ra từ chiều tối đến đêm nhiều ngày qua trên các tỉnh miền núi đông và tây bắc.
Tối 5/4, trận mưa đá có kích thước hạt mưa to hơn hạt ngô cùng lốc xoáy đổ xuống huyện Bát Xát, Sa Pa và TP Lào Cai. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Lào Cai cho hay, trận mưa đã làm 280 ngôi nhà bị tốc, sập mái. Cột phát sóng truyền hình ở huyện Bát Xát bị gió lốc quật đổ. Toàn thành phố Lào Cai và các huyện Sa Pa, Bát Xát mất điện trong khoảng 30 phút.

Cột phát sóng truyền hình tại huyện Bát Xát bị giông lốc quật đổ. Ảnh: Baolaocai.
Trước đó một ngày, mưa đá kèm gió lốc quét qua huyện Yên Minh (Hà Giang) làm tốc mái 28 ngôi nhà. Hàng chục hecta hoa màu của bà con và một số công trình phúc lợi ở các xã Ngọc Long, Na Khê và Mậu Duệ cũng bị ảnh hưởng do gió lốc. Đây là trận mưa đá thứ 3 trên địa bàn huyện Yên Minh khoảng 1 tháng qua.
Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, mưa lớn đã ảnh hưởng đến các xã Pả Vi, Sủng Trà, Lũng Chinh, Giàng Chu Phìn, Tát Ngà, Sơn Vĩ.
Tại xã Pả Vi, gió lốc tốc mái 500 tấm proximang của 15 hộ dân vào đêm 4/4 gây mất điện. Chính quyền các xã đã sơ tán người dân ra khỏi nhà, rất may không có thiệt hại về người.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào các tháng 3, 4, 5, mưa đá xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi do có sự giao mùa từ thời tiết lạnh sang nóng, khối không khí bất ổn định tạo giông mạnh, sau đó là lốc xoáy, mưa rào, sét, mưa đá.
Đoàn Loan