Ngày 7/8/1994, mưa chất nhầy xuất hiện lần đầu tiên ở Oakville, theo IFL Science. Chúng rơi xuống từ bầu trời dưới dạng những hạt chất nhầy nhỏ hơn hạt gạo, nhưng với lượng mưa lớn, chúng trở nên dễ thấy trên khắp mặt đất và mái nhà, bao gồm ngôi nhà của Sunny Barclift, cư dân địa phương. Ngày 19/8 cùng năm, tờ The Lewiston Tribune đưa tin mưa chất nhầy tiếp tục rơi lần thứ hai trong vòng nửa tháng.
Một bệnh viện đã quan sát chất nhầy dưới kính hiển vi và kết luận chúng chứa tế bào bạch cầu của con người, dấy lên suy đoán đây là chất thải từ toilet máy bay, nhưng phát ngôn viên của Cục hàng không liên bang Mỹ phủ nhận giả thuyết này bởi chất thải từ toilet thường được nhuộm màu xanh dương nên có biệt danh là "băng xanh".
Giả thuyết thứ hai thú vị hơn lý giải chất nhầy là những con sứa phát nổ. Phi đoàn máy bay chiến đấu số 354 thả nhiều quả bom xuống vùng biển Thái Bình Dương ngoài khơi Washington vào thời gian đó. Bom rơi trúng một đàn sứa có thể là nguồn gốc của mưa chất nhầy Oakville.
Paul Johnson, giáo sư danh dự ngành sinh vật học ở Đại học Bắc Georgia, có khả năng một phần cơ thể sứa bị bắn vào khí quyển và tích tụ trong cơn bão. Mưa động vật không phải điều mới lạ, nhưng tổng cộng 6 lần mưa chất nhầy rơi xuống thành phố, nên rất khó hình dung mảnh vụn sứa có thể trôi nổi trong không trung lâu như vậy.
Ngày 20/8/1994, Cơ quan sinh thái bang Washington tiến hành phân tích chất nhầy. Nhà khoa học Mike Osweiler của họ kiểm tra hạt chất nhầy Oakville và tìm thấy một số tế bào với kích thước đa dạng. Kết quả này dường như bác bỏ giả thuyết về tiểu cầu trước đây, do tế bào không có nhân. Là sinh vật đa bào thuộc ngành Sứa lông châm, sứa cấu tạo từ tế bào nhân thực giống như nhiều động vật khác, bao gồm nhân cùng với bào quan bao bọc bởi lớp màng.
Dạng sống không có nhân sẽ cấu thành tế bào nhân sơ, thường thấy ở vi khuẩn và cổ khuẩn. Nhà vi sinh vật học Mike McDowell của Cơ quan y tế công cộng bang Washington (WSPHD), cho biết ông và cộng sự không thể nhìn thấy cấu trúc nào thông qua quan sát kính hiển vi. Họ đặt chất nhầy trong nhiều loại chất nền vi sinh vật học và tìm cách tách vi khuẩn. Báo cáo của WSPHD ghi nhận sự có mặt của hai loại vi khuẩn là Pseudomonas fluorescens và Enterobacter cloacae, cả hai đều sống trong đường tiêu hóa của con người hoặc động vật có vú khác. Chúng cũng có trong môi trường ở nơi tập kết rác thải, có thể di chuyển trong nước và aerosol.
Một số cư dân ở Oakville bị ốm với triệu chứng giống cảm cúm khi tiếp xúc với chất nhầy, bao gồm mẹ của Barclift. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không biết đó có phải ảnh hưởng trực tiếp của mưa chất nhầy hay không. Barclift và một người bạn cũng bị nôn mửa và mệt mỏi sau khi thu gom và chạm vào chất nhầy bí ẩn. Vào thời điểm đó, cô cho rằng triệu chứng có thể chỉ là sự trùng hợp. Tuy nhiên, Barclift cho rằng mưa chất nhầy Oakville là một hiện tượng khác thường.
An Khang (Theo IFL Science)