Chủ nhật, 19/1/2025
Thứ ba, 22/4/2014, 01:15 (GMT+7)

Mùa cá mòi bơi từ biển về sông Hồng

Nở ra ở sông, cá mòi con bơi ra biển rồi tới tháng ba, chúng lại bơi về để đẻ trứng. Một giờ thả lưới, ngư dân có thể đánh được vài chục kg cá căng bụng trứng.

Cá mòi trên sông Hồng có nhiều từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch và rộ nhất vào thời điểm hoa gạo bung nở. Loại cá này có thể sống cả ở nước mặn biển Đông và nước ngọt sông Hồng.

Vào mùa này, các làng chài dọc sông Hồng đều thả lưới đánh cá mòi. Trong đó, bến đò Vũ Điện (xã Hoàng Hanh, thành phố Hưng Yên) được xem là vựa cá mòi lớn nhất. Ở đây mực nước sâu, lại là ngã ba sông Hồng, sông Luộc, sông Nam Định, nên cá về nhiều.

Có 20 thuyền đánh cá tập trung trên đoạn sông này. Các ngư dân chia thành từng ca, thay phiên nhau thả lưới. Chừng một giờ đi đánh bắt, lưới đã ăm ắp cá.

Năm nay thời tiết lạnh kéo dài, cá ngược dòng về muộn nên vụ cá mòi cũng ngắn lại. Dù thế, đang thời điểm chính vụ, mỗi ngư dân bến Vũ Điện cũng thu được 1 triệu đồng một ngày.

Ông Nguyễn Văn Dân (54 tuổi) đánh cá trên sông đã mấy chục năm. Đánh cá chỉ là việc làm thêm lúc nông nhàn, nhưng nghề này mang lại thu nhập lớn nhất, đủ nuôi sống cho cả gia đình.

 

Ông Dân đánh cá quanh năm. Những mùa khác, mỗi ngày ông kiếm được 100.000-200.000 đồng. Sang mùa cá mòi, thu nhập gấp năm, gấp mười các mùa kia. Với dân chài lưới, cá mòi là lộc trời, mang lại thu nhập cao trong thời vụ ngắn ngủi.

Một ngày ông Dân thả lưới 2-3 lần. Đánh cá đêm tuy vất vả nhưng được nhiều hơn ban ngày. "Hôm nay, tôi thu được khoảng 60 kg cá, bán được 18.000 đồng một kg. Chỉ một lúc thả lưới nhưng lại mất nhiều thời gian vào gỡ cá nên có muốn cũng không đánh nhiều được", ông cho biết thêm.

Ở Hoàng Hanh, chỉ có đàn ông đi đánh cá, phụ nữ làm việc nhà. Vào giờ mang cơm trưa, các bà vợ mới gỡ cá phụ chồng một lúc.

Anh Loãn (48 tuổi) mưu sinh ở khúc sông này hơn chục năm nay. Một ngày anh thả lưới 3 lần, thu được gần 100 kg cá mòi. Theo anh, như thế vẫn còn ít, bởi thời điểm này năm ngoái, nước sông ấm, cá mòi về rất đông. 

Mắt cá mòi rất tinh, các loại lưới thông thường đều bị chúng phát hiện. Để bắt được loại cá này, ngư dân phải bỏ chi phí lớn mua loại lưới chuyên dụng, có 3 lớp, sợi rất mảnh, rộng 8-10 m, dài 200 m, có thể giăng từ mặt nước tới đáy sông. Loại lưới này chỉ dùng để bắt con lớn, con nhỏ để mùa sau.

Ngày thường, bến đò Vũ Điện là nơi lưu thông từ thành phố Hưng Yên sang Lý Nhân (Hà Nam). Đến mùa cá mòi nơi đây trở thành một chợ cá nhỏ. Nhiều người đến mua buôn mang lên các thành phố bán.

Cá mòi nhỉnh hơn cá diếc, màu trắng bạc, mình dẹt, có nhiều xương dăm. Thịt cá mòi màu trắng, vị bùi. Vào mùa này, hầu như con nào cũng có trứng, ăn có vị thơm ngậy. Giá cá mòi tại đây dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng một kg. Khi vào thành phố, giá có thể lên đến 40.000-50.000 đồng một kg. Đặc điểm của cá mòi là đưa lên mặt nước sẽ chết ngay. Khi mua nên chọn những con mắt trong, chưa tróc vảy. 

Người dân miền Bắc có một truyền thuyết kỳ lạ về cá mòi, rằng cá do chim ngói hóa thành. Mùa thu, chim ngói bay ra biển và hóa thành cá mòi. Sang xuân, cá bơi ngược về rừng để biến thành chim ngói. Truyền thuyết này lý giải vì sao cứ đến mùa sinh sản, cá lại bơi từ biển vào sông để đẻ trứng và khi mổ, cá mòi có mề như mề của chim ngói. Bao đời nay, cá mòi được xem như đặc sản ở Hưng Yên, và mang lại thu nhập cao cho bao người dân dọc sông Hồng.

Phan Dương