Sutton, giáo viên tiếng Anh 38 tuổi, lần đầu gặp cây này vào năm 2016, khi anh và vợ chuyển từ Tokyo đến đảo Fukue, thuộc quần đảo Goto, ngoài khơi tỉnh Nagasaki. Ở Nhật Bản, nó được gọi là cây Ako, nằm bên con đường cách nhà anh thuê 300 m và cao hơn 10 m.
![Anh Sutton ở trên cây đa, ngày 17/10. Ảnh: Asahi](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2021/12/28/24cafa3aba4b0c9852ee64cc8b03de-5729-6598-1640657913.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qgmOh0qhECT6p9g85cTpXg)
Anh Sutton ở trên cây đa, ngày 17/10. Ảnh: Asahi
Với Sutton, đây là một loài cây đặc biệt, với bộ rễ bám xuống đất, giúp cây vươn xa, tạo ra những "đường hầm". "Tôi đã đi hầu khắp thế giới. Tin tôi cái cây với bộ rễ ăn xuống mặt đất là một điều gì rất đặc biệt", anh nói.
Tháng 12 năm ngoái trên đường đi làm về, Sutton nghe thấy tiếng răng rắc trên cây. Sau lùm cây rậm rạp, một số công nhân đang dùng máy móc chặt cây.
Sutton hỏi: "Các anh sẽ chặt bao nhánh?". "Có người thuê chúng tôi chặt toàn bộ", người công nhân trả lời. Theo kế hoạch, người ta sẽ phá một ngôi nhà cũ và cây này để giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng.
"Tôi sẽ cứu cái cây này bằng mọi cách, vì vậy xin hãy dừng lại", Sutton hét lên.
Thầy giáo này đã liên hệ với người ra lệnh chặt cây. Người đó nói: "Tôi cũng không muốn chặt một cái cây cổ thụ như vậy". Họ chỉ yêu cầu anh trả một khoản phí nhỏ cho mấy công nhân đã làm việc hôm đó.
Tiếp theo, Sutton liên hệ công ty bất động sản. Khi được hỏi "Anh sẽ làm gì với nó", Sutton trả lời "Tôi sẽ đi dã ngoại với gia đình dưới tán cây đó".
Bị thuyết phục trước tình cảm của Sutton dành cho cây đa, người này gợi ý: "Nếu anh sớm mua cái cây cùng mảnh đất và ngôi nhà nó, chúng tôi sẽ bán nó cho anh". Sutton đồng ý, dù lúc đó anh vừa được chấp thuận mua nhà trả góp.
Quá trình thẩm định để vay tiền khó khăn, khiến Sutton nhiều đêm trăn trở. Mỗi lúc như vậy, anh lại đi ra cái cây, đặt tay lên nó để cầu nguyện. Anh cảm giác như được an ủi "sẽ ổn thôi".
![Để cứu cây cổ thụ, Sutton đã vay mượn mua cả khu đất. Ảnh: Asahi](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2021/12/28/df2f108fa14610bdaca316fc61d249-9525-5919-1640657913.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NlBtQVGJYrA_LDzgnGwS8A)
Để cứu cây cổ thụ, Sutton đã vay mượn mua cả khu đất. Ảnh: Asahi
Sutton đã dốc toàn bộ vài triệu yên tiết kiệm và vay mượn để thanh toán cho chủ đất. Các thủ tục hoàn thành vào tháng 4 năm nay, giúp anh trở thành chủ nhân mới của cái cây. Hiện tại, anh dắt con gái đến thăm cái cây mỗi ngày. Bắt chước cha mình, cô bé hay chạm vào thân cây để cảm nhận sức mạnh.
Ước tính cây đa này đã 250 tuổi. Hiện người đàn ông Mỹ đã đặt tên cho cây là Acholas và mong nó sẽ sống thêm 300 năm nữa.
Bảo Nhiên (The Asahi)