Trên những cây cà phê, chùm bông trắng xinh dần được thay thế bởi những quả non mới nhú. Đâu đó chút hương dịu ngọt của hoa nở muộn còn thoảng qua. Lúc này, đất Tây Nguyên đón khách bằng cái nắng đến nao lòng. Ai nấy đều muốn dừng lại thật lâu trên con đường mòn xuyên qua rừng cao su bạt ngàn để đón gió mát rượi. Không khí khô, đất rát và người như thể héo hon nhưng tất cả đều háo hức để lưu lại những hình ảnh đẹp mắt của bướm sâu muồng, loài côn trùng chỉ sinh sản trong mùa nóng.
Sở dĩ gọi bướm sâu muồng vì chúng chỉ đẻ trứng trên cây muồng đen. Sau khi nở ra ăn hết vỏ trứng, lá cây, sâu sẽ rụng lông và tạo kén trong những ngày sau đó. Tới thời điểm thích hợp, những cánh bướm xanh mỏng manh sẽ tung bay, bỏ lại chiếc xác kén khô.
Sâu hóa bướm sẽ bay đi tìm nước hay những vùng ẩm ướt. Ven các con sông, con suối và trên cả bề mặt tấm bê tông vừa đúc xong, từng đàn đậu kín hệt một tấm thảm xanh. Người lữ khách chỉ cần bước chân nhè nhẹ tới là tất cả tung cánh vút lên ào ào, tạo thành cơn gió phả vào mặt mát rượi.
Khi ấy, trẻ nhỏ xứ này thường bày tỏ niềm hưng phấn bằng cách buộc vào đầu cây gậy một sợi dây có gắn mảnh giấy nhỏ rồi phất lên đầu, chạy vòng quanh. Từng đàn cũng cứ thế bay theo, kéo dài và lượn vòng theo thành hình ảnh đẹp mắt. Đám con nít nghịch ngợm lại nghĩ ra trò chạy ào vào đám bướm đang hút nước để chúng hoảng sợ bay tứ tung. Tới khi chơi chán, mấy đứa trẻ nhỏ bỏ đi, để lại những chấm nhỏ rập rờn và vị khách đang mải mê với những khoảnh khắc đẹp.
Bướm sâu muồng chỉ sinh sản đến cuối tháng tư. Sang tháng năm, đất Tây Nguyên cựa mình đón những ngày mưa dầm dề không ngớt. Nhưng nhờ thế không khí trở nên trong lành hơn và cây cối bắt đầu khoác lên mình màu áo xanh tươi mới. Vị lữ khách ngày nào cũng đã nói lời chào tạm biệt. Bước chân đã trở về nhà để chờ những chuyến đi mới vào mùa sau.
Diệu Huyền