Nhờ thắng lợi 1-0 ở lượt đi trên sân Old Trafford, thầy trò Ferguson rõ ràng đứng trước thời cơ lớn để đi tiếp vào chung kết và hoàn thành mục tiêu bảo vệ ngôi quán quân. Tuy nhiên, thách thức trước mặt họ cũng không hề nhỏ.
![]() |
MU khó được tận hưởng niềm vui đăng quang năm thứ hai liên tiếp. Ảnh: Reuters. |
Lần gần nhất một nhà vô địch châu Âu cấp CLB trụ vững trên đỉnh cao ở mùa kế tiếp là trường hợp của AC Milan. Năm 1990, với dàn trụ cột gồm Baresi, Maldini... cùng bộ ba "Hà Lan bay" Rijkaard - Gullit - Van Basten, đại diện Serie A hạ Benfica của HLV Sven Eriksson 1-0 (Rijkaard ghi phút 68), để đăng quang lần thứ hai liên tiếp. Năm trước đó, họ đè bẹp Steaua Bucharest 4-0 trong trận chung kết tại Nou Camp (Gullit và Van Basten mỗi người lập một cú đúp).
Nhưng từ đó trở đi, mùa giải kế tiếp luôn trở thành nỗi buồn của các đội nuôi mộng bảo vệ danh hiệu. Ngoài những lý do khách quan, tâm lý tự mãn sau khi lên đỉnh cao, gánh nặng tuổi tác cộng thêm việc bị mọi đối thủ dè chừng là những yếu tố cơ bản khiến những nhà vua của bóng đá châu Âu bị phế ngôi chỉ trong vòng một năm sau khi đăng quang.
AC Milan 1990-91 (Bị loại ở tứ kết)
Vượt qua Bruges với tổng tỷ số 1-0 ở vòng hai Cup C1, Milan rơi vào cặp đấu tứ kết với Marseille, lúc này đang trong thời kỳ hưng thịnh với một loạt hảo thủ như Jean-Pierre Papin, Abedi Pele và Chris Waddle. Ở trận lượt đi tại San Siro của các nhà ĐKVĐ, Marseille chơi không quá xuất sắc, nhưng vẫn ra về với kết quả hoà 1-1 rất thuận lợi (Gullit 14 - Papin 27). Đây là tiền để để đội bóng Pháp bước vào trận lượt về và vượt lên dẫn trước nhờ pha lập công của Waddle.
Tỷ số 1-0 của trận lượt về được giữ nguyên đến phút 88 thì sân Stade Velodrome gặp sự cố mất điện. Nhận thấy nguy cơ bị loại và mất ngôi báu hiện rõ, lãnh đội Milan lúc đó là Adriano Galliani đã đầu trò các cầu thủ Milan từ chối vào sân đá nốt hai phút cuối khi các cột đèn trên sân hoạt động trở lại. Hành vi phi thể thao này khiến các nhà ĐKVĐ phải trả giá đắt khi UEFA quyết định xử cho Marseille thắng 3-0, đồng thời cấm Milan dự Cup C1 mùa kế tiếp.
Sao Đỏ Belgrade 1991-92 (Bị loại từ vòng bảng)
CLB thuộc Nam Tư cũ đã viết nên một trang sử hào hùng ở mùa giải trước đó, khi vào đến trận chung kết và đánh bại Marseille sau loạt luân lưu. Tuy nhiên, ở mùa giải sau đó, mọi việc trở nên đen tối với Sao Đỏ khi quê hương họ chìm trong cảnh loạn lạc vì những cuộc nội chiến và mâu thuẫn sắc tộc. Nội bộ nhà vô địch chia rẽ sâu sắc khi họ có quá nhiều cầu thủ từ những nước cộng hòa mới tách ra khỏi Nam Tư và coi nhau như kẻ thù.
Cảnh chiến tranh loạn lạc cũng khiến Sao Đỏ mất lợi thế sân nhà và phải chuyển sang thi đấu trên sân trung lập ở Hungary và Bulgaria. Thế nên, bất chấp sở hữu nhiều cá nhân cầu thủ giỏi, nhưng tập thể rời rạc ấy chỉ lê lết vào đến vòng bảng 8 đội cuối cùng (hai đội đầu bảng vào trận chung kết). Họ để thua cả hai trận vòng bảng ấy trước một Sampdoria đang hưng thịnh cùng thế hệ Vialli, Mancini, Lombardo... và vì thế, chỉ cán đích ở vị trí nhì bảng, đồng nghĩa với việc bị loại.
Barca 1992-1993 (Bị loại từ vòng hai)
Bàn thắng duy nhất từ cú sút phạt kinh điển của Ronald Koeman trong trận chung kết với Sampdoria mùa trước đã hoàn thiện bộ sưu tập các danh hiệu lớn của cái gọi là "Đội hình trong mơ của HLV Johann Cruyff". Nhưng vẫn với "Đội hình trong mơ ấy", Barca đã không bảo vệ được ngôi báu ở mùa tiếp theo. Họ chật vật vượt qua đại diện Na Uy, Viking ở vòng một, khó khăn lắm mới giành được kết quả hòa 1-1 trên sân CSKA Moscow ở lượt đi vòng hai, trước khi làm các culé thất vọng vô bờ bến với thất bại 2-3 dưới tay CLB NGa ngay tại Nou Camp ở trận lượt về. Chung cuộc, Barca rời cuộc chơi với thất bại khó tin 3-4.
Marseille 1993-1994 (Bị cấm tham dự vì scandal dàn xếp tỷ số)
Đánh bại người khổng lồ Milan trong trận chung kết tại Munich hè năm 1993, Marseille trở thành đại diện Pháp đầu tiên lên ngôi ở sân chơi số một châu lục cấp CLB. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau vinh quang ấy, đội bóng thành phố cảng này sụp đổ như một tòa lâu đài trên cát. Tiền vệ Jean-Jacques Eydelie tiết lộ rằng ông được chỉ đạo mua chuộc 3 cầu thủ Valenciennes, để Marseille thắng nhàn và có thêm sức lực chuẩn bị cho trận chung kết Champions League. Scandal này khiến họ bị tước bỏ ngôi vô địch quốc gia Pháp, bị đánh xuống hạng và cấm tham dự các Cup châu Âu mùa tiếp theo.
AC Milan 1994-1995 (Thua trận chung kết)
Dưới thời Fabio Capello, Milan làm nên một trong những trận chung kết đáng nhớ nhất lịch sử Cup C1/Champions League khi đè bẹp Barca của Cruyff 4-0 trong trận chung kết hè 1994. Với đội hình cùng sức mạnh không suy suyển, họ thẳng tiến vào trận chung kết mùa tiếp theo và được đánh giá đủ sức bảo vệ ngôi báu, bất chấp đối thủ là một Ajax trẻ trung từng hai lần thắng Milan ở vòng bảng.
Tuy nhiên, trận chung kết tại Vienna (Áo) đã diễn ra theo chiều hướng khác hẳn. Được chỉ huy bởi Rijkaard - một thành viên trong "bộ ba người Hà Lan bay" từng làm mưa làm gió cùng Milan, Ajax đã chơi phòng ngự tuyệt vời, vô hiệu hóa nhà vô địch đến từ Italy. Đây chính là bệ phóng quan trọng để Ajax ra đòn quyết định ở phút 85 với pha lập công của Patrick Kluivert, khi đó mới là một cậu bé 18 tuổi.
Ajax 1995-1996 (Thua trận chung kết)
Rijaard lúc này đã giải nghệ, nhưng với lứa cầu thủ trẻ trung và tài năng còn lại từ mùa trước, CLB thành Amsterdam vẫn tiến đến trận chung kết năm thứ hai liên tiếp và đứng trước cơ hội bảo vệ ngôi báu tại Rome. Trước một Juventus đang hừng hực khí thế, Ajax đã chơi không đến nỗi nào khi cầm hòa 1-1 sau 120 phút thi đấu (Ravanelli 12' - Litmanen 41'). Tuy nhiên, khi trận đấu phải giải quyết bằng đòn cân não trên chấm 11 mét, họ đã sụp đổ. Cả 4 cầu thủ Juventus đá luân lưu đều đánh bại Van der Sar, trong khi đó, Edgar Davids và Sonny Silooy lại hỏng ăn khi đối mặt với Angelo Peruzzi, khiến Ajax thua 2-4.
Juventus 1996-1997 (Thua trận chung kết)
Đội bóng của Lippi được đánh giá là mạnh hơn cả khi lên ngôi ở mùa giải trước đó nhờ có thêm một Zinedine Zidane tài hoa ở tuyến giữa và chẳng gặp bất kỳ trở ngại nào trên đường vào trận chung kết tại Munich. Hầu như mọi dự đoán trước giờ bóng lăn đều nghiêng về cửa thắng dành cho Juventus, bởi đối thủ của họ chỉ là một Borussia Dortmund kém tiếng tăm với thành phần trụ cột chủ yếu là những món hàng thải từ Italy như Sousa, Kohler, Reuter hay Moller... Tuy nhiên, đó lại là trận đấu mà Lippi và Juventus của ông đã thua tan tác trong cuộc đấu trí với người đồng nhiệm cáo già bên phía Dortmund, Ottmar Hitzfeld.
Hitzfeld xếp cầu thủ vô danh người Scotland, Paul Lambert kèm chết Zidane. Anh này không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy mà còn trở thành người kiến tạo cho Karl-Heinz Riedle mở tỷ số. Riedle sau đó nhân đôi cách biệt bằng một cú đánh đầu. Hy vọng của Juventus được Del Piero nhen nhóm lại phần nào với cú đánh gót ghi bàn điệu nghệ ở phút 66, rồi tắt ngấm bởi một bàn thua sau đó 4 phút. Cựu cầu thủ "Lão bà" Andreas Moller chính là người khởi xướng tình huống này với cú chọc khe tuyệt hảo cho tiền vệ mới vào sân Lars Ricken lập công.
Borussia Dortmund 1997-1998 (Bị loại ở bán kết)
Vẫn với dàn cầu thủ "gừng càng già càng cay" lên ngôi mùa trước, Dortmund dễ dàng vượt qua vòng bảng rồi hạ đồng hương Bayern Munich ở tứ kết, để vào bán kết với Real Madrid, lúc này được dẫn dắt bởi HLV người Đức Jupp Heynckes. Ở trận lượt đi tại Bernabeu, sự cố các fan tràn vào sân khiến trận đấu bị hoãn 45 phút dường như đã tác động rất xấu đến tâm lý của thầy trò Hitzfeld. Hệ quả là họ dễ dàng thua 0-2 (Morientes và Karembeu ghi bàn) và không thể gượng dậy ở trận lượt về tại Westfallen. Kết quả hòa 0-0 (chung cuộc 0-2) khi đó đã tiễn chân Dortmund khỏi sân chơi là họ là vua một năm trước.
![]() |
Sau khi biến Borussia Dortmund thành cựu vô địch, Real Madrid (áo trắng) cũng nhiều lần dính vào dớp đen đủi không thể giữ danh hiệu lâu hơn một năm. Ảnh: Life. |
Real Madrid 1998-1999 (Bị loại ở tứ kết)
Những bất ổn trên ghế chỉ đạo (lần lượt Jupp Heynckes rồi Guus Hiddink bị sa thải, nhường chỗ cho John Toshack) khiến Real Madrid suy yếu đáng kể. Thêm vào đó, việc lá thăm đưa họ vào chung cặp tứ kết với một Dynamo Kiev cũng là một nguyên nhân khách quan khiến "Kền kền trắng" bị biến thành nhà cựu vô địch.
Đây đang là thời điểm Dynamo Kiev thăng hoa dưới bàn tay nhào nặn của HLV thiên tài Valeri Lobanovsky và cảm hứng dạt dào từ cặp "song sát" Sergei Rebrov - Shevchenko. Ở trận lượt đi tại Bernabeu, Shevchenko ghi một bàn giúp CLB Ukraine thủ hòa 1-1. Còn đến trận lượt về, vẫn là Shevchenko, với một cú đúp, quyết định thắng lợi 2-0, đưa Dynamo Kiev vào bán kết.
MU 1999-2000 (Bị loại ở tứ kết)
Đội bóng của Beckham, anh em nhà Neville, Giggs, Scholes... đã chơi một trận xuất thần khi cầm chân Real Madrid 0-0 ngay tại Bernabeu ở lượt đi. Đây được xem là tiền đề thuận lợi để họ tìm kiếm một kết quả tốt khi đá trận lượt về trên sân nhà và tiếp tục hành trình bảo vệ ngôi báu đoạt được sau mùa giải thần thánh trước đó (đoạt cú ăn ba danh hiệu lớn). Nhưng bi kịch đã diễn ra tại Old Trafford. Một pha đốt lưới nhà của Roy Keane cộng thêm cú đúp của Raul giúp Real Madrid dẫn 3-0 chỉ sau 52 phút. Dù nỗ lực tột cùng trong thời gian còn lại, MU chỉ gỡ được 2 bàn nhờ công Beckham và một quả penalty của Scholes.
Real Madrid 2000-2001 (Bị loại ở bán kết)
Tương tự Juventus năm 1997, Real Madrid cũng được xem như hổ mọc thêm cánh, khi tậu được Luis Figo về từ Barca. Họ dễ dàng thống trị La Liga và tiến băng băng đến bán kết Champions League. Nhưng tại đây, Real cũng phải chứng kiến giấc mộng bảo vệ ngôi báu tại sân chơi danh giá nhất châu lục vỡ tan. Bayern Munich, sau khi trả món nợ thua MU trong trận tranh ngôi báu năm 1999 ở tứ kết, đã dạy cho Real Madrid một bài học về bóng đá. Tại lượt đi, họ cắt đứt mạch 7 trận toàn thắng của nhà ĐKVĐ tại Bernabeu với bàn thắng duy nhất của Elber, trước khi thắng tiếp 2-1 (Elber, Jeremies - Figo ) ở trận lượt về trên sân Olympic.
Bayern Munich 2001-2002 (Bị loại ở tứ kết)
Thất bại cay đắng dưới tay Bayern nhanh chóng lùi vào dĩ vãng khi Real phục hận ngay mùa giải tiếp theo. Kết quả 2-1 của trận lượt về mùa trước được tái hiện, chỉ khác lần này diễn ra ở lượt đi và nhờ đó, dù thua, "Kền kền trắng" vẫn có chút lợi thế từ bàn thắng trên sân khách của Geremi. Đây là tiền đề thuận lợi để họ chơi từng bừng khi trở lại sân nhà Bernabeu tiếp Bayern ở trận lượt về và giành phần thắng 2-0 nhờ các bàn của Helguera và Guti. Chung cuộc, họ thắng Bayern 3-2 và thẳng tiến đến ngôi vô địch mùa ấy.
Real Madrid 2002-2003 (Bị loại ở bán kết)
Đang trên đỉnh điểm thành công với chính sách xây dựng một "Dải ngân hà" tại Bernabeu, Real Madrid của những Zidane, Figo, Ronaldo, Raul... hiện lên với vẻ hào nhoáng của một đội bóng chơi hào hoa nhưng có sức mạnh hủy diệt. Thắng lợi chung cuộc 6-5 trước MU ở tứ kết là minh chứng hùng hồn cho sự lung linh của những vì sao Real Madrid.
Tuy nhiên, ánh lung linh ấy tắt ngấm khi họ vấp phải Juventus ở bán kết. Bàn thắng của Trezeguet trong trận thua 1-2 ở lượt đi là tiền đề để "Lão bà" chơi tưng bừng ở trận lượt về. Không phải Real mà hôm đó, chính Juventus, nổi tiếng với thứ bóng đá thực dụng của HLV Lippi, lại trình diễn lối đá tấn công rực lửa và dẫn đến 3-0 sau 73 phút tranh tài (Trezeguet, Del Piero, Nedved). Bàn thắng của Zidane ở phút 89 chỉ giúp Real Madrid vớt vát lại chút danh dự trước khi bật sới.
AC Milan 2003-2004 (Bị loại ở tứ kết)
Khó dùng từ nào khác ngoài tự mãn và chủ quan để nói về thất bại cay đắng của Milan ở tứ kết năm 2004. Với phát hiện Kaka và một Sheva vào độ chín muồi, đội quân dưới trướng Ancelotti không quá khó làm nên thắng lợi hoành tráng 4-1 (Kaka 45' & 49', Sheva 46', Pirlo 53' - Pandiani 11') trước Deportivo trong trận lượt đi tại San Siro và tưởng như đã cầm chắc một suất đi tiếp vào bán kết.
Nhưng ở trận lượt về, tình thế đảo ngược đến khó tin. Trong thế không còn gì để mất, Deportivo chơi bài "liều mình như chẳng có", đẩy cao đội hình tấn công dồn dập ngay sau tiếng còi khai cuộc. Họ chỉ mất 5 phút để mở tỷ số nhờ công Pandiani, thêm 30 phút nữa để nhân đôi cách biệt với pha làm bàn của Valeron và đến phút 44 thì nâng tỷ số lên 3-0 khi Luque lạnh lùng hạ Dida.
Kết quả này đồng nghĩa với việc tỷ số chung cuộc là 4-4 và Milan sẽ bị loại vì luật bàn thắng sân khách. Các nhà ĐKVĐ vì thế rơi vào trạng thái hoảng loạn và sụp đổ hoàn toàn trong hiệp hai. Trong khi đó, Deportivo nhân đà chiến thắng, bồi thêm cho đội bóng Italy một đòn chí mạng nữa với bàn thắng của Fran ở phút 76.
Porto 2004-2005 (Bị loại từ vòng 1/8)
Sự ra đi của HLV Mourinho cùng một loạt trụ cột như Carvalho, Ferreira, Deco đã biến đại diện Bồ Đào Nha từ vị thế nhà vô địch mùa trước đó thành một "tấm thân tàn ma dại". Nhân sự trên ghế chỉ đạo cũng xáo trộn nghiêm trọng khi Del Neri rồi Victor Fernandez lần lượt bị sa thải, nhường chỗ cho Jose Couceiro vào thời điểm Porto gặp Inter ở vòng 1/8. Nỗ lực của các nhà ĐKVĐ chỉ giúp họ tránh được thất bại trên sân nhà (hòa 1-1) ở lượt đi, chứ không đủ để đi tiếp trên hành trình bảo vệ ngôi báu. Thất bại 1-3 ở lượt về tại Meazza chính thức biến Porto thành cựu vô địch.
Liverpool 2005-2006 (Bị loại từ vòng 1/8)
Làm nên một trong những cuộc ngược dòng ngoạn mục nhất lịch sử bóng đá để lên ngôi sau trận chung kết với Milan, nhưng Liverpool cũng không tránh khỏi dớp bật sới ở năm tiếp theo. Trước một Benfica rất bình thường, đội quân suy kiệt vì phải đá quá nhiều trận của Benitez dễ dàng thua cả hai trận, 0-1 (Luisao 84') trên sân Lisbon và 0-2 (Simao 36', Micolli 89') trên sân nhà Anfield và bị loại.
Barcelona 2006-2007 (Bị loại từ vòng 1/8)
Sau khi lên đỉnh cao với chức vô địch Champions League và La Liga mùa trước, một loạt trụ cột của Barca đã xuống phong độ thê thảm, mà điển hình là Ronaldinho. Sự xuất hiện của một vì sao mới, Lionel Messi, vào thời điểm đó không đủ để bù đắp cho các đàn anh đang trên đà sa sút. Ở lượt đi vòng 1/8 tại Nou Camp, Barca bất lực nhìn Liverpool ra về với thắng lợi 2-1 nhờ phong độ chói sáng của cầu thủ người xứ Wales, Craig Bellamy. Vì kết quả này, nỗ lực giành phần thắng 1-0 (Gudjohnsen) trên sân Anfield ở lượt về trở vô nghĩa với Barca, vì họ vẫn bị loại theo luật bàn thắng sân khách.
![]() |
Barca (áo vàng) sa sút sau khi lên tột đỉnh vinh quang hè 2006 và phải dừng bước trước Liverpool ở vòng 1/8 mùa tiếp theo. Ảnh: Guardian. |
AC Milan 2007-2008 (Bị loại từ vòng 1/8)
Thắng lợi trước Liverpool và chức vô địch châu Âu thứ bảy đoạt được tại Athens hè 2007 đã tạo nên những ảo tưởng trong các nhà lãnh đạo Milan về một thời kỳ hưng thịnh mới của CLB. Nhưng họ lại quên một điều quan trọng là đội bóng cần được tiếp thêm những dòng máu mới để bổ sung cho đội ngũ ngày một già nua và chậm chạp. Đó là một sai lầm lớn, khiến Milan phải trả giá đắt khi họ bước vào vòng 1/8, gặp một Arsenal trẻ trung và hừng hực khát khao thể hiện.
Ở trận lượt đi tại Emirates, tuy thoát thua, Maldini và đồng đội phải thừa nhận rằng họ đã gặp rất nhiều khó khăn trước những cầu thủ trẻ khỏe, nhanh như sóc của Arsenal. Và điều gì phải đến đã đến khi hai đội tái ngộ ở trận lượt về. Sau khi cầm cự chật vật suốt 83 phút, Milan bất lực nhìn Fabregas mở tỷ số ở phút 84. Bàn thắng đến từ pha phản công nhanh mà Walcott là người cho cả đội hình chủ nhà "ngửi khói" còn Adebayor là người kết thúc chỉ tô đậm thêm sự già nua và kiệt sức của CLB Italy.
Minh Kha