Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM) đo tại 30 vị trí trong tháng 9 cho thấy, các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... tăng đột biến trong các ngày 18 đến 20/9. Đặc biệt, ngày 20/9 bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần.
Kết quả này được công bố sau 8 ngày bầu trời TP HCM liên tục bị mù bao phủ, ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10; PM 2.5 tăng từ 1,9 lên 2,2 lần. Loại bụi mịn này được khuyến cáo gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Theo đó, nguyên nhân của hiện tượng mù là hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp không khí lạnh khuếch tán sâu, khiến thành phố luôn nhiều mây, không có nắng; độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào. Ngoài ra, do trời không nắng, không đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt khiến không khí ô nhiễm không thể phát tán lên cao (nằm sát mặt đất). Việc này làm lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Dựa vào các dữ liệu dự báo trong nước và quốc tế, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường bác bỏ quan điểm cho rằng "ô nhiễm không khí tại TP HCM do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia" như một số thông tin trên Internet. Tình trạng mù gây ô nhiễm không khí những ngày qua cũng thường xảy ra định kỳ hàng năm vào khoảng tháng 9 và 10 tại TP HCM - được gọi là mù khô quang hóa.
Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường, hiện tượng này ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân và có thể được phát hiện sớm. Tuy nhiên, TP HCM hiện chỉ có thể quan trắc thủ công gián đoạn, chưa được chia sẻ dữ liệu và các báo cáo về tình hình diễn ra nghịch nhiệt từ các cơ quan khí tượng, nên việc đánh giá chất lượng và khuyến cáo cho người dân còn hạn chế.
Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ trình UBND thành phố điều chỉnh đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đồng thời đầu tư năng lực đánh giá chính xác về hiện tượng mù quang hóa và hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Trong các ngày 18-23/9, hầu hết các quận huyện ở TP HCM xuất hiện lớp mù đặc quánh từ sáng đến chiều tối. Không thể nhìn thấy tòa nhà Land Mark 81 (quận Bình Thạnh) hay Bitexco (quận 1) nếu đứng cách xa 300 m. Các tài xế xe tải, ôtô khách... cảm nhận rõ nhất vì tầm nhìn bị hạn chế.
Website giám sát chất lượng không khí AirVisual trong thời gian này cảnh báo không khí TP HCM nhiều ngày liên tục ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ) - đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khoẻ của người dân.
Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 20/9 tại TP HCM đo được cao nhất là 175. Chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức 102.7 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ngày sau có giảm nhưng vẫn ở mức có hại.
Khác với sương mù, hiện tượng mù xảy ra khi ô nhiễm không khí - tập hợp các hạt bụi, khói lơ lửng, nồng độ ở lớp bề mặt tăng cao. Mù mạnh có thể làm giảm tầm nhìn ngang xuống vài trăm mét, thậm chí hàng chục mét như sương mù mạnh.
Để hạn chế ảnh hưởng sức khỏe, người dân được khuyến cáo hạn chế tham gia giao thông. Nếu phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt...
Hữu Nguyên