Trước những động thái quyết liệt của các cơ quan công quyền, nhiều người dân Hà Nội chiều qua đã đổ xô tìm mua mũ bảo hiểm. Sớm nay, sau những chút ái ngại do mũ nặng, khó nghe, làm mất kiểu dáng tóc... nhiều người dân đã lần đầu mang "nồi cơm điện" xuống phố.
![]() |
Cả nhà cùng xuống phố. Ảnh: Hoàng Hà |
"Chiều qua cả nhà mới đi mua mũ, nói thật tôi cũng không thích đội mũ bảo hiểm, đi đường đông cũng hơi bất tiện. Nhưng đã là luật thì phải chấp hành thôi", anh Tuấn, cán bộ một ngân hàng trên phố Kim Mã cười nói.
Sáng nay, tại nhiều trường tiểu học, học sinh được phụ huynh chuẩn bị mũ rất chu đáo. Tháo chiếc mũ màu hồng, đưa cho bố mang về, Nguyễn Công Kim Chi lớp 2A trường tiểu học Phan Chu Trinh khoe: "Bố cháu đã mua mũ cho cháu từ rất lâu nhưng đợi mãi đến sáng nay mới được lôi ra để đội. Tối qua, cháu đã phải cất sẵn trên bàn để khỏi quên."
Tại trung tâm tiếng Anh Apollo trên phố Lê Văn Hưu, ngoài các em học sinh, giáo viên người Việt, giáo viên người nước ngoài cũng thực hiện đội mũ bảo hiểm. "Thật là tuyệt vời, sáng nay ra đường ai cũng đội mũ bảo hiểm. Ngay từ khi sang Việt Nam cách đây 3 năm tôi đã đội mũ rồi. Ở Australia người dân đội mũ bảo hiểm cả ngày lẫn đêm" anh Damien Moss, giáo viên trung tâm này nói.
Giống anh Damien Moss, Dan Konrad cũng háo hức xem người dân Việt Nam thực hiện đội mũ bảo hiểm thế nào. Anh cho biết, trước đó nhiều ngày, cũng nghe các bạn đồng nghiệp ở trung tâm bàn rôm rả về việc đội mũ bảo hiểm. "Mình cảm thấy rất bất ngờ tỉ lệ đội mũ của người dân ngày đầu tiên lại cao đến thế" Dan Konrad nói.
Đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường nhưng Nguyễn Văn Kiên phố Trần Khát Chân làm mọi người khá ngạc nhiên vì cách đội mũ. Kiên đội mũ lưỡi trai lên trước sau đó mới đội chiếc mũ bảo hiểm chồng lên trên trông rất kỳ quặc. "Từ lâu em đã quen đội mũ lưỡi trai, bây giờ đội mũ bảo hiểm cảm thấy ngượng lắm", Kiên cho biết.
Tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, nhiều người dân đã bất ngờ khi thấy Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đi xe Dream, đội mũ bảo hiểm. "Hôm nay, tôi dậy sớm và đi từ nhà đến đây. Thời gian qua, nhiều lúc tôi đã đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Gia đình tôi cũng đã thực hiện. Tôi muốn việc đội mũ trở thành một nét văn hóa mới", bộ trưởng nói.
![]() |
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đội mũ bảo hiểm, sáng nay. Ảnh: T.D. |
Tại Đà Nẵng, các đường phố cũng tràn ngập mũ bảo hiểm. "Tôi không ngờ cả thành phố chấp hành nghiêm túc như vậy", ông Phạm Văn Điền, chủ một doanh nghiệp từ Quảng Ngãi đến thành phố sông Hàn cho biết.
TP HCM khởi đầu một ngày mới từ rất sớm với ánh nắng gay gắt. Khác với mọi ngày trong câu chuyện chào hỏi rôm rả của những người đi làm sớm, họ hối hả nhắc nhau: "Có nón bảo hiểm chưa? Đội nón bảo hiểm vào...".
Bác bảo vệ khu chung cư trong một hẻm nhỏ gần chợ Bà Chiểu tâm sự: "Hôm nay mọi người khác quá, ai cũng đội nón bảo hiểm, có người nhận không ra".
Lủng củng túi, mũ bảo hiểm, găng tay, khẩu trang, chị Thanh Phương (phường Đa Kao, quận 1) lúng túng trước cổng chợ Đa Kao. Chị đang lục tìm vé gửi xe máy. "Nhiều đồ phải mang, lại lần đầu tiên sử dụng mũ, nên mọi việc cứ rối cả lên. Sáng nay tôi đã chỉnh lại dây mũ nhưng giờ vẫn thấy nịt chặt quá", chị nói.
![]() |
Những tuyến đường tại TP HCM tràn ngập mũ báo hiểm. Ảnh: Đức Quang |
Tạt vào lề đường Võ Thị Sáu, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hương (quận Gò Vấp) TP HCM gỡ mũ bảo hiểm lau mồ hôi. Chị cho biết: "Ra đường thấy ai cũng đội mũ mình lại có cảm giác vui vui như đang ở trong một sự kiện lớn của xã hội. Nhưng cũng hơi khó chịu với cái nóng ở đầu".
Vừa trở về thăm quê hương, anh Đào Quang Phương -Việt kiều Australia cho biết, việc đội mũ bảo hiểm trên xe gắn máy ở nước ngoài đã có từ lâu. Mỗi lần về thăm Việt Nam anh đều phải đội mũ bảo hiểm. "Năm trước tôi thấy dân mình quá ít đội mũ bảo hiểm khi ra phố. Nhưng hôm nay việc chấp hành như thế này là quá tốt".
1001 lý do quên mũ
Theo ghi nhận của VnExpress sáng nay tại Hà Nội, số người đi xe đội mũ bảo hiểm chiếm hơn 90%. Tại các ngã tư và chốt giao thông, cảnh sát đông hơn ngày thường. Dự kiến, có khoảng 400 cảnh sát giao thông, gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng cảnh sát trật tự, ngành giao thông huy động 180 thanh tra giao thông cùng tham gia kiểm tra tại 85 chốt trọng điểm.
6h30, tại ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà, thiếu úy Hà Sinh Lộc, đội cảnh sát giao thông số 3 cho biết, đã lập biên bản 2 trường hợp vi phạm, trong đó có một sinh viên người Lào, đang học trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội. Gương mặt khá ngơ ngác, cậu sinh viên người Lào cho biết, không hề biết hôm nay (15/12), sẽ bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Tại chốt Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, từ 7h đến 7h30 chỉ có 4 trường hợp không đội mũ. Hai trong số đó đã bị lập biên bản, những người còn lại lạng lách bỏ trốn. Tại chốt xử lý vi phạm giao thông do công an phường Vĩnh Hưng lập trước cổng khu công nghiệp Vĩnh Tuy (Lĩnh Nam, Hoàng Mai) đã xử lý 10 trường hợp.
Cầm tờ biên bản xử phạt, Nguyễn Văn Đạt, công nhân công ty Sơn trên đường Lĩnh Nam tần ngần nói: "Em chỉ ngồi nhờ xe ông anh có một đoạn đến nhà bạn cách đây khoảng 2km vay tiền về quê. Em chưa có xe máy nên không mua mũ".
![]() |
Xử phạt người vi phạm. Ảnh: Hoàng Hà |
Thiếu tá Trần Ngọc Thống, Đội Cảnh sát giao thông số 4 cho biết, hầu hết các trường hợp lập biên bản sáng nay đều là người đi nhờ xe, đi tập thể dục hay đi chợ đêm về quên mang mũ. Nhiều trường hợp vi phạm biện minh "công ty em gần ngay đây", "em chạy ù đi mua đồ ăn sáng về cho gia đình", "em tưởng ngồi sau không phải đội".
Từ 6h30 sáng nay, công an Đà Nẵng đã tung quân tới 38 điểm chốt chính trong thành phố. Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT cho biết, công an sẽ lập biên bản cho cả người ngồi sau xe mô tô về hành vi vi phạm luật giao thông. Mức phạt 150.000 đồng mỗi người vi phạm và không giữ phương tiện.
Thượng tá Đến cho biết, Đà Nẵng sẽ xử phạt trẻ em theo từng độ tuổi. Từ 14 đến 16 tuổi sẽ ra quyết định cảnh cáo. Từ 16 đến 18 tuổi, sẽ xử phạt hành chính bằng 50% mức phạt của người lớn. Trong trường hợp chở ba người, thì trẻ em từ 7 tuổi trở lên vẫn bị phạt ở lỗi chở quá số người quy định.
Tại TP HCM, trực tại chốt Nguyễn Thái Học -Trần Hưng Đạo từ sáng sớm, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đến 9h đã xử phạt khoảng 10 xe vi phạm. Có mũ bảo hiểm nhưng anh Phạm Văn Hải (31 tuổi, Đồng Nai), chở bạn gái ngồi phía sau vẫn vắt trước xe mà không đội lên, khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi lập biên bản, chàng thanh niên phân trần: "Khi rời khỏi nhà tôi có đội, nhưng một lúc sau thấy khó chịu nên tháo ra".
Còn tại khu vực đường vành đai xung quanh thành phố, như tuyến Điện Biên Phủ - Hàng Xanh - Nguyễn Hữu Cảnh, việc chấp hành đội mũ bảo hiểm của người dân khá tốt. Theo ghi nhận của VnExpress sáng nay, khó tìm được người nào không đội mũ bảo hiểm trên tuyến đường.
Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, cho biết, hôm nay, Cục huy động gần 200 chiến sĩ và phương tiện nghiệp vụ tăng cường cho các địa phương trọng điểm như quốc lộ 5 ( Hà Nội- Hải Phòng), quốc lộ 1A, quốc lộ 51 (Đồng Nai- Vũng Tàu), quốc lộ 14 qua Tây Nguyên. . Ông Sơn cũng cho hay, đối với trẻ em thì không có chế tài xử phạt nhưng khuyến cáo phụ huynh nên đội mũ bảo hiểm cho các em để bảo vệ tính mạng. |
Nhóm phóng viên