Thông tin này được chia sẻ trong chuỗi hội thảo khoa học "Cập nhật hiệu quả điều trị ung thư vú tam âm giai đoạn sớm với liệu pháp miễn dịch", do công ty dược phẩm sinh học MSD phối hợp các bệnh viện tại Hà Nội và TP HCM tổ chức. Sự kiện nhằm hưởng ứng tháng Nhận thức về Ung thư vú năm 2024 và chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Tham gia hội nghị, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư đã chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng cùng những kết quả mới nhất từ nghiên cứu được công bố tháng 10 tại hội nghị ESMO 2024 (Hội Ung thư châu Âu). Các chuyên gia cũng trình bày những tín hiệu tích cực về việc cải thiện thời gian sống không bệnh tái phát, thời gian sống còn cho bệnh nhân ung thư vú tam âm giai đoạn sớm có nguy cơ cao thông qua phác đồ điều trị phối hợp hóa trị và liệu pháp miễn dịch của MSD.
Trình bày tại hội nghị, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Huỳnh Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Ngoại tuyến vú, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, ung thư vú tam âm có đặc tính sinh học ác tính hơn các phân nhóm ung thư khác, thời gian sống thêm không bệnh ngắn, tỷ lệ tái phát và tỷ lệ di căn cao. "Tử vong do ung thư vú tam âm vẫn là cao nhất so với các phân nhóm sinh học còn lại, bất kể giai đoạn sớm hay tiến xa - di căn", bác sĩ Phạm Huỳnh Anh Tuấn nói.
Chia sẻ về phương pháp điều trị, TS. BS. Phan Thị Hồng Đức, Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ trước mổ và cân nhắc điều trị nội khoa trước và sau phẫu thuật, gọi là điều trị tân bổ trợ và bổ trợ. Phương pháp điều trị nội khoa giúp thu nhỏ khối u, tăng khả năng lấy được hoàn toàn khối u, nâng cao hiệu quả phẫu thuật, từ đó giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh và mang lại cơ hội sống cao hơn cho bệnh nhân.
Theo TS. BS Phan Thị Hồng Đức, hai phương pháp điều trị nội khoa mới nổi bật cho ung thư vú là liệu pháp miễn dịch và liệu pháp trúng đích. Liệu pháp miễn dịch có cơ chế hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư. "Đã có những kết quả khả quan từ các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp này, mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân", TS. BS. Phan Thị Hồng Đức cho biết thêm.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin chuyên môn, để khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa bệnh nhân, người chăm sóc và các chuyên gia y tế, MSD Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện Ung Bướu TP HCM trang trí "Góc hồng" và tổ chức các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Bệnh nhân. Những hoạt động này cũng góp phần lan tỏa thông điệp yêu thương đến bệnh nhân ung thư vú.
Nhằm truyền đi thông điệp bệnh nhân ung thư vú không cô đơn trên hành trình chiến đấu với bệnh tật, nhân viên MSD Việt Nam cũng hưởng ứng Ngày hội đi bộ "5.000 bước chân hạnh phúc" do Sáng kiến ung thư Muối (SCI) tổ chức tại Hà Nội và giải chạy Hồng - Pink Run 2024 do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức tại TP HCM.
Bên cạnh đó, chương trình tọa đàm "Alo bác sĩ cuối tuần"" trên VTV9 được phát sóng toàn quốc, mang đến thông tin hữu ích về phòng ngừa và điều trị ung thư vú tam âm giai đoạn sớm, cùng những câu chuyện về sự kiên cường và hy vọng từ bệnh nhân.
Bà Katharina Geppert, Tổng giám đốc MSD Việt Nam chia sẻ, MSD đang triển khai nhiều hoạt động giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe phụ nữ. MSD cũng góp sức cho cuộc chiến chống ung thư vú suốt nhiều năm qua, mang đến những đổi mới trong điều trị ung thư vú, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân. "Chúng ta đã, đang và sẽ không để bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư vú tam âm, những người có nguy cơ cao nhất và là một trong những dạng ung thư vú khó điều trị nhất", bà Katharina Geppert nói.
Ung thư vú tam âm (Triple-Negative Breast Cancer - TNBC) là một phân nhóm ung thư vú đặc biệt mà các tế bào ung thư không có ba loại thụ thể chính thường thấy trong các loại ung thư vú khác. Đó là thụ thể estrogen (ER), thụ thể progesterone (PR) và thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì 2 (HER2). Thiếu các thụ thể này khiến bệnh khó điều trị hơn vì các liệu pháp hormone và thuốc nhắm vào HER2 sẽ không hiệu quả.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan 2022), ung thư vú là căn bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ với 24.563 ca mắc mới mỗi năm, chiếm tỷ lệ gần 13,6% tổng số ca ung thư, trở thành loại ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất.
Minh Thư