Chiến dịch đưa hơn 15.000 cây thanh thất tới Ninh Thuận của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về sáng kiến trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 và được kỳ vọng làm giảm tác động của biến đổi khí hậu tới Ninh Thuận.
"Hơn 15.000 mầm hy vọng được MSB gieo trồng, vun vén cho mảnh đất nhiều thiệt thòi về điều kiện tự nhiên cũng như tương lai xanh của cả nước", đại diện MSB chia sẻ.
Mùa khô dài 8 đến 9 tháng trong năm, cùng đặc trưng gió nhiều, bốc hơi mạnh, Ninh Thuận luôn được ví như mảnh đất khát. Độ che phủ rừng thấp, đồi núi xói mòn khiến địa phương luôn trong tình trạng thiếu nước vào mùa nắng, lũ lụt vào mùa mưa. Trong thời gian dài, người dân sống gần rừng của Ninh Thuận thiếu nguồn sinh kế vì đất bạc màu hoặc chịu ảnh hưởng lớn từ các hiện tượng thiên nhiên tiêu cực như hạn hán hay sạt lở...
Nhưng mảnh đất này đang dần chuyển mình nhờ những dự án phủ xanh núi đá như MSB tài trợ. Anh Nguyễn Minh Quốc, người trực tiếp tham gia vào chiến dịch cho biết, khi khu vực đồi trọc này được phủ xanh bởi những cây thanh thất, tình trạng sạt lở, xói mòn, đá lăn trên địa bàn mỗi mùa mưa lũ sẽ giảm thiểu đáng kể. Việc giữ nước vào mùa khô cũng được cải thiện nhiều.
Anh Nguyễn Sỹ Khuynh, cán bộ phòng Kỹ thuật phòng hộ ven biển thuận Nam nhận định dự án có nhiều tác động tích cực đến cuộc sống của người dân Thuận Nam không chỉ hôm nay mà cả mai sau. "Có rừng đồng nghĩa với việc có thảm thực vật dưới tán rừng làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, rừng cũng tạo nên những mạch nước ngầm giúp bà con có nước sử dụng trong mùa khô", anh nói.
Là nhân công trồng và chăm sóc rừng, anh Trọng, chia sẻ cách trồng rừng tại Thuận Nam khá khác biệt. Núi ở đây cao, dốc nên phải chia nhau ra mang bằng gùi. "Anh em đi một đoạn, nghỉ một đoạn, sau đó phải dùng đến cuốc chim để phá mặt đất trước rồi đến cuốc thường để moi đất lên thêm. Mùa mưa rất ngắn nên chúng tôi phải tranh thủ trồng nhanh mới kịp. Khó mấy, anh em cũng ráng vì một phần là tạo thu nhập cho chính mình, nhưng cái lợi cho bà con thì còn lớn hơn, phủ xanh được cả khu vực này là sẽ có nước dùng mùa khô, mùa mưa thì đỡ sạt lở nguy hiểm", anh tâm sự.
Gắn bó với rừng Thuận Nam hơn 20 năm, chú Vạn Văn Lắng hiểu rõ những khó khăn của công tác tổ chức trồng rừng. Bởi vậy, những đóng góp của những doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chung tay phủ xanh Ninh Thuận, trong đó có MSB càng ý nghĩa. Chú tin tưởng, 10 năm sau, những mầm xanh sẽ vươn cao thành cây rừng vững chãi; tâm huyết của những người trồng rừng sẽ tiếp tục được thắp sáng và góp phần nhỏ bé vào hành trình trải xanh Việt Nam.
Dự án là sự chung tay của MSB để hiện thực hóa ước mơ về một Ninh Thuận không còn thiếu nước và cuộc sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn. Lựa chọn vùng đất này làm điểm khởi đầu cho chiến lược thúc đẩy quốc gia phát triển bền vững, MSB tin rằng giữ rừng cũng là xây dựng đất nước.
Thông qua hành trình trải xanh Việt Nam, MSB hy vọng có thể lan tỏa những câu chuyện đời thường giản dị về đất và người để truyền cảm hứng cho cộng đồng và giới trẻ chung tay thực hành lối sống xanh. Mọi người có thể bắt đầu từ những thói quen giản đơn như hạn chế đồ nhựa, sử dụng phương tiện giao thông công cộng tới việc lớn lao hơn là trồng, bảo vệ rừng.
"Chúng tôi tin rằng khi cả xã hội đồng lòng, hợp sức sống xanh, người dân ở mọi miền Tổ quốc sẽ không còn canh cánh nỗi lo bão lũ, sạt lở, sói mòn và an tâm xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước", đại diện MSB khẳng định.
An Nhiên