Thu nhập lãi thuần ghi nhận gần 7.105 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, nâng tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt gần 9.970 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi chiếm xấp xỉ 29% tổng thu nhập với sự đóng góp từ các mảng như thẻ tín dụng, ngoại hối... Các con số này thể hiện tính hiệu quả trong đa dạng hóa nguồn thu, hướng tới chuyển đổi hoạt động ngân hàng theo hướng bền vững hơn.
Tính đến cuối hết tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng này đạt hơn 300.700 tỷ đồng, tăng gần 13% so với kết thúc năm 2023. Bên cạnh tăng trưởng tín dụng, động lực tăng tổng tài sản còn đến từ yếu tố chứng khoán đầu tư với gần 62.300 tỷ đồng, tăng 64% so với ngày 31/12/2023. Danh mục đầu tư này chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, tăng khoảng 20.000 tỷ, và chứng khoán của các tổ chức tín dụng, tăng khoảng gần 5.000 tỷ.
Tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ đạt 15,11% nhờ sự đa dạng các giải pháp tín dụng, đặc biệt là trên môi trường số. Mức tăng này cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn hệ thống 9% tới cuối tháng 9; cao hơn 3% so với quý liền trước. Dư nợ tín dụng ghi nhận tăng trưởng lành mạnh, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 20% như kế hoạch đầu năm.
Riêng mức cho vay khách hàng đến ngày 30/9, ngân hàng đạt trên 170.600 tỷ đồng, phân bổ chính vào một số lĩnh vực như chế biến sản xuất, chế tạo máy móc, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là kết quả từ sản phẩm cho vay đa dạng, linh hoạt cùng quy trình đơn giản, nhanh chóng.
"Ngoài các lĩnh vực này, các ngành nghề hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và tài chính xanh là ưu tiên của ngân hàng để trở thành động lực tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới", đại diện MSB nói thêm.
Bên cạnh đó, tiền gửi của khách hàng trong quý ba tiếp nối nhịp tăng ổn định từ trước, nâng chỉ số chạm mốc gần 148.500 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Thành tựu này được dẫn dắt bởi tiền gửi của cá nhân với 79.470 tỷ đồng, cao hơn 5% so với đầu năm. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 36.000 tỷ đồng.
Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn tăng gần 16% từ mốc 97.230 tỷ đồng hồi 31/12/2023 lên gần 112.500 tỷ đồng hồi kết thúc quý ba. Vì vậy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (% CASA) trong quý ba giảm nhẹ còn 24,23%, phù hợp với xu hướng thị trường khi lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại.
Về các chỉ số an toàn, nền tảng vốn của MSB được quản trị với tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động (LDR) ở mức 74,68%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) ở mức 29,38%. Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất tiếp tục duy trì, đạt 12,36%. So với quý trước, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này cũng giảm từ 2,13% xuống 2,01%.
Đồng thời, ngân hàng hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%, với số lượng 600 triệu. MSB niêm yết bổ sung với các cổ phiếu phát hành thêm, nâng tổng số lượng đang lưu hành lên 2,6 tỷ. Với cột mốc này, nhà băng kỳ vọng đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro và tăng vị thế cạnh tranh về quy mô cho ngân hàng.
Ngoài ra, MSB đang triển khai chiến lược phát triển bền vững, hướng đến tài chính toàn diện, đưa dịch vụ ngân hàng đến với nhiều tệp khách hàng và đối tượng sử dụng. Trong quý ba, đơn vị ký kết hợp tác cùng nhiều đơn vị, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Trong đó, đầu tháng 7, ngân hàng cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp, cung cấp giải pháp tài chính và lợi ích cho đoàn viên, người lao động cả nước. Ngày 8/8, ngân hàng và Bệnh viện Nhi đồng 2 hợp tác triển khai giải pháp thanh toán qua MSBPay On POS, giúp người bệnh thanh toán mọi lúc mọi nơi dù không mở tài khoản ngân hàng.
"Từ những kết quả đã đạt được, MSB tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh như đã trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt hồi tháng 4", đại diện ngân hàng khẳng định.
Nhật Lệ