MSB vừa đưa hơn 1,17 tỷ cổ phiếu lên giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Việc niêm yết đánh dấu mốc mới trong chặng đường phát triển của nhà băng này với kế hoạch tham vọng trong những năm tiếp theo.
Đến 2024, ngân hàng này nâng tổng tài sản 340.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế gần 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng kép (CAGR) ở mức xấp xỉ 30% mỗi năm cho giai đoạn 2019-2024.
Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi
So với các ngân hàng khác, MSB có cơ cấu thu nhập đa dạng. Tỷ trọng thu nhập lãi thuần trung bình (NII) trên tổng thu nhập hoạt động (TOI) giai đoạn 2010-2019 khoảng 63-65%, thấp hơn mức trung bình ngành là 80%. Kết quả này có được nhờ MSB đa dạng hóa nguồn thu nhập ngoài lãi từ phí, ngoại hối và kinh doanh chứng khoán và đầu tư.
"Một trong những định hướng xuyên suốt là đẩy mạnh nguồn thu nhập từ phí dịch vụ, thông qua thúc đẩy bán các sản phẩm thu phí. MSB đặt mục tiêu tăng trưởng thu nhập phí trên 20% mỗi năm, giữ tỷ trọng thu nhập ngoài lãi so với tổng thu nhập trên 30%", đại diện nhà băng nói.

Kế hoạch tăng trưởng MSB đề ra đến năm 2024.
Đối với các doanh nghiệp, ngân hàng này triển khai các sản phẩm tài trợ thương mại cho công ty xuất nhập khẩu, gói tài khoản thanh toán lương cho nhân viên, các giải pháp quản lý dòng tiền... Với khách bán lẻ, MSB chú trọng giải pháp bán chéo, nhằm tăng thu phí từ các sản phẩm bảo hiểm, đầu tư trái phiếu, bên cạnh thu hút tiền gửi không kỳ hạn trên tiền gửi thanh toán, nhằm giảm chi phí vốn cho ngân hàng. MSB là ngân hàng có tỷ trọng CASA lớn thứ 4 trong hệ thống với 23% vào cuối tháng 9.
Phân phối bảo hiểm (bancassurance) được ngân hàng này kỳ vọng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính. Hiện tại, MSB bán các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và MIC và bán các sản phẩm nhân thọ của Prudential, Dai-ichi Life.
Doanh số phân phối bảo hiểm của MSB nằm trong top 10 trên thị trường. Tỷ lệ tái tục năm thứ hai dẫn đầu, khoảng 82%, mức trung bình thị trường chỉ 60%. MSB dự báo doanh thu sẽ tăng 30-40% mỗi năm, không gồm phí trả trước khi ký hợp tác độc quyền.
Năm nay, MSB vượt kế hoạch lợi nhuận được cổ đông giao. Sau 11 tháng, lãi trước thuế đạt 2.302 tỷ, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 60% so với mục tiêu. Tổng tài sản đạt trên 166.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2019. Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng.
Số hóa
Đại diện ngân hàng này cho biết, trong giai đoạn 5 năm tới, MSB sẽ tiếp tục đầu tư dự án số hóa, ngân hàng số và thay đổi core-banking, trong đó mảng ngân hàng số TNEX ở mức 136,6 tỷ đồng.
TNEX là dự án ngân hàng số hoàn toàn (neo-bank), độc lập do một ngân hàng Việt Nam xây dựng. Neo-bank hoạt động toàn bộ bởi công nghệ số, máy học, dữ liệu lớn, không có cơ sở hạ tầng vật lý, không chi nhánh.

Đội ngũ nhân sự của MSB.
MSB đã khởi động TNEX từ tháng 3/2020, hoàn thành vào tháng 10/2020 và chính thức hoạt động ngày 11/12. Dự án này hướng đến các khách hàng đại chúng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh.
"Ngân hàng số của MSB sẽ tập trung cho vay tiêu dùng, hỗ trợ vốn lưu động với chi phí hoạt động thấp hơn 97% so với ngân hàng truyền thống. Ban lãnh đạo dự kiến TNEX bắt đầu có lãi từ quý II/2022. Sau một tuần sau hoạt động, TNEX có 500 khách hàng mới và 2.600 hộ kinh doanh", đại diện MSB nói. "Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 3 triệu khách hàng vào năm 2023".
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đang triển khai dự án eKYC nhằm số hóa các thủ tục của ngân hàng truyền thống, nâng cấp hệ thống công nghệ và đầu tư core-banking mới thay thế hệ thống từ năm 2003 với kinh phí 490 tỷ đồng.
MSB đang thể hiện những bước đi với kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng số hóa trong ngành. Đại diện ngân hàng này cho biết, chuyển đổi số và mở rộng hệ sinh thái số là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tuấn Vũ