Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.287 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 tăng 14% so với đầu năm, đạt gần 157.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng tăng hơn 23% đạt gần 68.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo nhà băng cho biết, các phân khúc khách hàng cá nhân đều đạt những chỉ số tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân đạt 47%, doanh thu từ phí tăng 61% so với năm 2018. Tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá trị đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 25% so với đầu năm.Với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, tăng trưởng cho vay đạt 58%, doanh thu từ phí tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tín dụng đã đem về hơn 3.000 tỷ đồng lãi thuần cho MSB.
Bên cạnh đó, MSB tích cực đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ đa tiện ích, mang về doanh thu từ phí đạt 522 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2018. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt ở mức cao 35%.
"Nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động giảm 14% so với năm 2018, chỉ số chi phí trên doanh thu (CIR) đã giảm 9% xuống còn 53%, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng", lãnh đạo MSB chia sẻ.
Ngoài ra, các chỉ số an toàn của MSB cũng được kiểm soát tốt trong năm qua, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 77,5%; tỷ lệ nợ xấu 1,71% và hệ số CAR 10,25%. Các chỉ số này cũng đạt theo kế hoạch của MSB và tuân thủ quy định an toàn của Ngân hàng Nhà nước. "Hoạt động xử lý nợ xấu được MSB xúc tiến mạnh mẽ với số dư trái phiếu VAMC giảm gần 54% và dự kiến ngân hàng sẽ tất toán hết danh mục trái phiếu này trong năm 2020", vị lãnh đạo nói.
Theo vị này, nhờ chiến lược rõ ràng và sự đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, 2019 là năm MSB bứt phá ấn tượng. Đây cũng là bước đệm để ngân hàng tiến những bước vững chắc trong lộ trình hoàn thành mục tiêu 5 năm 2018-2023, trở thành ngân hàng tin cậy, thẩu hiểu khách hàng và đạt tỷ suất lợi nhuận cao.
Từ năm 2018, chiến lược của MSB chú trọng đầu tư hệ thống nền tảng nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và chuyển mình theo hướng "đơn giản - chủ động - kết nối - thấu hiểu hơn".
Tháng 1/2019, đơn vị thay đổi nhận diện thương hiệu từ Maritime Bank sang MSB với hình ảnh thân thiện, năng động hơn. Ngân hàng đầu tư mở rộng hệ thống mạng lưới với gần 280 phòng giao dịch, chi nhánh, cùng hơn 500 ATM trên khắp cả nước. Đồng thời phát triển các kênh giao dịch hiện đại như Internet banking, mobile banking, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mở thẻ tín dụng, thanh toán qua QR Code, Samsung Pay, phương thức xác thực thông minh bằng sinh trắc học, soft token... nâng cao tính bảo mật và tiện lợi cho khách hàng.
MSB cũng hướng đến phát triển theo chuẩn ngân hàng số thông qua triển khai hệ thống ngân hàng mở (API) và hệ sinh thái ngân hàng mở. "Hiện chúng tôi triển khai thành công bước đầu, với các hình thức kết nối API cho hệ thống mạng lưới ATM, chi nhánh và API cho sản phẩm tín dụng SME, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, fintech kinh doanh trên cơ sở dữ liệu rộng lớn, tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng thuận tiện, bảo mật", đại diện MSB nói.
Năm 2019, MSB cũng là một trong 9 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng Basel II nhằm tăng cường hoạt động an toàn và minh bạch theo những nguyên tắc quản trị rủi ro cao chuẩn quốc tế.
Lãnh đạo MSB cho biết, hướng đi trọng tâm của ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục đầu tư cho nền tảng công nghệ, nhằm số hóa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Hiện MSB có 2,1 triệu khách hàng cá nhân và gần 50.000 khách hàng doanh nghiệp trên cả nước.
Minh Chi