Sự kiện ký kết hợp tác diễn ra trong tháng 11 tại Hà Nội, đánh dấu bước tiến trong hành trình hiện đại hóa lấy khách hàng làm trọng tâm, thúc đẩy kỹ thuật số và trải nghiệm khách hàng liền mạch của MSB. Thông qua việc áp dụng nền tảng ngân hàng tương tác Backbase, MSB đang hợp nhất các ứng dụng riêng lẻ vào nền tảng duy nhất. Sự chuyển đổi chiến lược này cho phép nền tảng kỹ thuật số của MSB tăng cường sự tương tác của khách hàng, đơn giản hóa các gói sản phẩm, đẩy nhanh việc phát triển tính năng mới và giảm chi phí phục vụ 5,5 triệu khách hàng.
Kiến trúc linh hoạt của nền tảng còn giúp MSB phát triển hệ sinh thái công nghệ độc đáo, tích hợp dễ dàng với các nền tảng khác để thúc đẩy sự đổi mới. MSB ước tính khách hàng sử dụng dịch vụ kỹ thuật số thường xuyên sẽ tăng 30%, số lượng khách hàng mới tăng 20-40% hàng năm thông qua kênh số, nhờ việc cung cấp các trải nghiệm số hóa toàn diện.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết ngân hàng đang cải tiến nền tảng kỹ thuật số bằng cách kết hợp các thế mạnh của nền tảng ngân hàng tương tác Backbase với các giải pháp nội bộ. "Bằng việc sử dụng nền tảng này, chúng tôi sẽ hợp nhất, hiện đại hóa và ra mắt các kênh ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp trên nền tảng duy nhất trong 12 tháng tới, đồng thời mở rộng trải nghiệm khác biệt của khách hàng", ông Linh nêu rõ.
Vị đại diện cũng nói thêm, khoản đầu tư này nhằm giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập xuống 8%, giảm chi phí phục vụ xuống 30%, tăng điểm hài lòng của khách hàng lên 93 điểm với dịch vụ ngân hàng bán lẻ và 85 điểm cho dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp.
Ông Riddhi Dutta, Phó Chủ tịch khu vực châu Á của Backbase chia sẻ, thay vì phải thay đổi hoàn toàn và bắt đầu lại từ đầu, phương pháp "áp dụng và xây dựng" cho phép MSB tái tạo các kênh, ứng dụng hiện có, đồng thời trao quyền cho nhân tài nội bộ để khai thác các điểm đổi mới. Ông cũng nhấn mạnh Backbase cung cấp một kiến trúc chiến lược giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động MSB đã và đang thực hiện nhưng không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
SmartOSC chịu trách nhiệm điều chỉnh và tùy biến nền tảng Backbase để đáp ứng nhu cầu cụ thể của MSB và đảm bảo đáp ứng quy định tại Việt Nam. Ông Nguyễn Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SmartOSC cho biết, dự án này không chỉ xây dựng kiến trúc đa tầng, đa kênh cho hệ sinh thái ngân hàng, còn mang tầm nhìn chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang ngân hàng số toàn diện. "Điểm nổi bật của hệ thống là tính linh hoạt vượt trội, tùy biến nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng kịp thời với những thay đổi trong hoạt động kinh doanh", ông Hiếu nhấn mạnh.
Với khoản đầu tư này, MSB đặt mục tiêu cải thiện chỉ số hiệu suất phù hợp với kế hoạch chiến lược 5 năm: tăng lượng khách hàng đa kênh lên 10-20%, tăng số lượng khách hàng hoạt động trên kênh số lên 20% cho ngân hàng bán lẻ, 23% cho ngân hàng doanh nghiệp, 60% khách hàng bán lẻ và 40% khách hàng doanh nghiệp được MSB tiếp cận qua kênh số. Việc áp dụng nền tảng ngân hàng tương tác cũng giúp MSB củng cố mục tiêu trở thành ngân hàng thấu hiểu khách hàng nhất và có lợi nhuận cao tại Việt Nam.
Thanh Thư