Thất bại thứ tư từ đầu mùa và tụt xuống thứ 16 trên bảng điểm, chẳng còn ai nhận ra hình hài của nhà vô địch kiêu hùng mùa trước. Khủng hoảng đến từ đâu, không ai biết. Người ta còn bận xoáy quanh câu hỏi: Liệu Jose Mourinho có bị sa thải? Ngày hôm qua, ban lãnh đạo Chelsea đã có câu trả lời cho tất cả: Chelsea tiếp tục tin tưởng Jose Mourinho. Lý do cho quyết định đi ngược với thói quen của tỷ phú Roman Abramovich này nằm ở đâu?
Cho đến bây giờ, có thể nói rằng ông chủ người Nga đã tạo ra một Chelsea vĩ đại nhất trong lịch sử tồn tại của đội bóng này. Và trong kỷ nguyên của ông, có thể nói Mourinho là HLV giỏi nhất trên bảng thành tích, tại vị lâu nhất và hiểu rõ Chelsea cũng như Abramovich nhất. Do vậy, sa thải Mourinho không khó, nhưng tìm ra người hiểu Chelsea hơn HLV người Bồ Đào Nha thì không dễ.
Có một thống kê khủng khiếp cho chiếc ghế HLV Chelsea sau khi Mourinho ra đi vào năm 2007. Kể từ ngày đó, trong vòng sáu năm Chelsea thay tới bảy HLV, lần lượt là Avram Grant, Felipe Scolari, Guus Hiddink, Carlo Ancelotti, Villas-Boas, Roberto Di Matteo và Rafael Benitez. Người dài nhất là hai năm, người ngắn nhất là bốn tháng. Chelsea hoàn toàn mông lung và không có sự ổn định. 12 năm từ ngày mua lại Chelsea, Roman Abramovich đã chi ra tới gần cả 100 triệu đôla để bồi thường cho các HLV bị sa thải - quá phí phạm cho tính thiếu kiên nhẫn.
Nếu Chelsea quyết định sa thải Mourinho bây giờ, bên cạnh khoản bồi thường khổng lồ 47 triệu đôla đánh vào hầu bao của CLB, những lời hứa về sự ổn định, những hy vọng khấp khởi ban đầu về một "vương triều" Mourinho ở Stamford Bridge coi như tan vỡ. Và các cổ động viên Chelsea sẽ lại chứng kiến một cõi hỗn mang mới như giai đoạn 2007-2013, những tháng ngày họ coi việc sa thải HLV là cứu cánh cho một mùa giải thất bát.
Nhưng Roman Abramovich sẽ chỉ cho Mourinho thêm một cơ hội. Và Mourinho cần hiểu, ông phải thay đổi hoặc là phải ra đi. Tháng 5 năm ngoái, khi Chelsea vô địch Ngoại hạng Anh. Mourinho đã nói tới khái niệm "thống trị", ở đó có một kỷ nguyên màu xanh với Mourinho gắn bó lâu dài. Nhưng khủng hoảng cũng chính từ đó mà ra. Mourinho chưa bao giờ quen với việc làm kẻ thống trị. Ông chỉ quen với việc đi chinh phạt, tạo cơ đồ và bỏ nó ra đi. Trong lịch sử, luôn tồn tại những con người cá biệt như vậy - chỉ là kẻ chinh phục trong thời chiến, không phải là kẻ thống trị trong thời bình.
Lịch sử Trung Quốc có câu chuyện nổi tiếng giữa Hạng Vũ và Hàn Tín. Vào cái ngày mà Hạng Vũ sa cơ bên dòng Ô Giang, Hàn Tín đứng im tưởng niệm. Trương Lương nói rằng: "Ta biết vì sao tướng quân buồn. Hạng Vũ chết vì tay tướng quân. Nhưng tướng quân đã mất đi đối thủ lớn nhất cuộc đời". Mourinho chính là Hàn Tín của giới bóng đá ngày nay. Một bậc thầy về bày binh bố trận, một chuyên gia về âm mưu giăng sẵn để đưa con mồi vào bẫy. Nhưng ông chỉ giỏi khi đứng ở vị thế của kẻ đi lật đổ, hơn là vai trò của kẻ thống trị và áp đặt lối chơi. Như chính cái cách Chelsea thi đấu - họ luôn đá tốt khi ở vị thế cửa dưới.
Hàn Tín đi lên từ bần hàn, tiêu diệt bao nhiêu kẻ thù. Nhưng khi có tất cả, ông ta đánh mất cái linh mẫn cần có của bậc đại tướng quân. Mourinho cũng vậy, sự ngạo mạn của kẻ chiến thắng, sự khinh thường với tất cả các đối thủ khi ông lên ngôi ở Ngoại Hạng Anh quá dễ dàng, đã khiến ông chủ quan. Cách Mourinho thất bại hôm nay cũng giống như mùa cuối cùng khi ông cầm Real Madrid. Mùa giải đó, khoảng cách từ Real đến Barcelona là 16 điểm ngay khi Giáng sinh đến. Đó chính là mùa Pep Guardiola không còn ở Camp Nou nữa, và Mourinho cũng khủng hoảng như vậy.
Việc Mourinho bảo vệ thành công chức vô địch Ngoại Hạng Anh trong nhiệm kỳ đầu tiên là vì ông vẫn còn có Alex Ferguson làm đối trọng. Còn bây giờ Mourinho không coi ai là đối thủ xứng tầm như Sir Alex năm nào. Bằng chứng không phải là những phát ngôn mà ông dành cho Wenger hay Van Gaal, mà là mùa hè chuyển nhượng vừa rồi. Chelsea chỉ mang về những cái tên tầm thường, bán đi những cầu thủ tiềm năng, và đến phút cuối chữa cháy bằng Pedro. Để rồi khi chứng kiến các trụ cột như Ivanovic, Fabregas, Terry, Diego Costa… sa sút nghiêm trọng, Mourinho đã không có phương án dự phòng.
Sai lầm nối tiếp sai lầm. Bất chấp khủng hoảng từ Ivanovic hay Fabergas, Mourinho vẫn để sự bảo thủ lấn át lí trí, khi để họ vào sân, và cất những cầu thủ trẻ, có khát vọng trên ghế dự bị. Trên sân cỏ, sự bế tắc lan rộng. Có thể nói, Jose Mourinho là một HLV kiên định, cá tính mạnh mẽ, không hề khoan nhượng trên sân cỏ. Nhưng lại quá thiếu dũng cảm trong những quyết định đòi hỏi sự cải tổ từ các trụ cột. Cương quyết không để mắt đến những cầu thủ thể hiện tốt, chỉ khư khư giữ lấy những con người đã gián tiếp khiến chiếc ghế ông bị lung lay.
Chuyên môn đã vậy, ngoài sân cỏ cũng không khá hơn. Trước đến nay, Mourinho là bậc thầy về tâm lý chiến, những chuyện ngoài lề sân cỏ chính là một chiến lược để ông giúp cầu thủ có động lực ở trên sân. Nhưng lần này ông đã đi quá đà khi... đụng vào phụ nữ. Vụ to tiếng mắng mỏ ngay trên sân rồi đuổi nữ bác sĩ xinh đẹp Eva Carneiro khiến Mourinho chịu áp lực lớn chưa từng thấy trong sự nghiệp, trên mặt trận truyền thông và sự thiếu tôn trọng từ chính người trong nhà.
Nhưng Mourinho dường như vẫn còn một đường sống. Ông không chỉ nhận được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo, mà còn được ủng hộ từ thời gian, bởi trong hai tuần, các giải vô địch quốc gia châu Âu sẽ tạm nghỉ để các đội tuyển thi đấu vòng loại EURO 2016 và World Cup 2018. Đấy là cơ hội để Mourinho xốc lại đội hình, nhìn lại con đường đã đi để thay đổi. Hiện tại với vị trí thứ 16, bị các đối thủ Ngoại Hạng Anh xem thường, hẳn ông đã đặt bản thân và đội bóng dưới quyền ở ở vị thế cửa dưới.
Năm xưa Hàn Tín đóng quân bên sông, để binh sĩ không còn đường lùi mà chiến thắng. Hôm nay, Mourinho cũng đang đứng ở phía đấu lưng với con sông để chiến đấu. Con sông ấy mang tên Sa Thải.
Dũng Phan