Hãy cùng khám phá món ăn đặc trưng của những 63 tỉnh thành trên cả nước, trước tiên là các món đậm dấu ấn của miền Bắc.
Cuốn sủi - Lào Cai
Cuốn sủi là món ăn dân dã khá phổ biến ở Lào Cai. Món này có phần hơi giống với món phở tíu. Cuốn sủi gồm bánh phở trắng mềm để bên dưới bát, bên trên rắc lên một nhúm mì được làm bằng củ dong rang giòn, một vài miếng thịt bò, chan vào một thứ nước dùng hơi sền sệt với hương vị khá đặc biệt. Khi ăn có thể rắc thêm chút hạt tiêu, vài hạt lạc cùng vài lát ớt ăn khá lạ miệng nhưng lại rất thanh mát, dễ ăn. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này tại các quán ăn ven đường cho đến các nhà hàng kiểu Hoa.
Pa pỉnh tộp - Điện Biên
Pa pỉnh tộp hay còn gọi là cá nướng đặc trưng của Điện Biên. Cá nướng thì có lẽ ở đâu cũng có, nhưng chế biến theo kiểu đặc biệt này thì có lẽ chỉ ở nơi đây. Cá để làm món này thường là cá chép, cá trôi, cá mè… không cần to quá. Cá được đem mổ dọc ở phía lưng, không mổ phía bụng rồi bóc bỏ phần ruột. Cá Điện Biên chủ yếu là cá suối nên không có mùi tanh như cá biển. Người ta cũng không rửa lại cá sau khi đã mổ. Cá được khía đều trên thân để khi ướp sẽ ngấm gia vị hơn, sau đó sẽ nhồi hỗn hợp gia vị gồm mắc khén, rau thơm, ớt, hành củ, muối đã trộn đều vào trong bụng. Cuối cùng người ta sẽ gập ngang thân cá lại đem kẹp vào que tre nướng trên bếp than củi. Món pa pỉnh tộp đậm đà và có mùi thơm đặc biệt của mắc khén ăn với gì cũng hợp từ cơm nếp, cơm tẻ… và là món nhậu đàn ông Tây Bắc ưa thích.
Cốm Tú Lệ - Yên Bái
Một món ăn vặt mà du khách khi đến Yên Bái ai cũng mong muốn được thử và mua về làm quà cho người thân ở nhà chính là cốm Tú Lệ. Cốm Tú Lệ được làm từ giống gạp nếp Tan Lả nên hạt cốm mẩy, to tròn lại có vị thơm rất đặc trưng. Lúa để làm cốm phải được căn ngày gặt sao cho còn nguyên sữa, sau đó đem tuốt, sàng bỏ rơm, hạt lép rồi đem đi đãi qua nước rồi mới cho lên chảo rang. Cốm Tú Lệ cầu kỳ từ cách chế biến. Bếp lò để rang cốm phải đắp xỉ than và dùng củi đốt. Cốm rang xong cũng phải rải ra cho nguội bớt mới đem giã, giã cho đến khi cốm dẹt mỏng, dẻo và dậy mùi thơm mới đạt yêu cầu. Cốm Tú Lệ có thể nhâm nhi như món quà vặt, hoặc thưởng thức chung với ấm trà hay đêm chấm chuối đều rất thơm ngon.
Thịt lợn muối chua - Hoà Bình
Thịt lợn muối chua Hòa Bình là món ăn rất được du khách yêu thích. Bởi cách chế biến độc đáo, lạ miệng. Thịt lợn muối chua chế biến được ngon cũng khá phức tạp. Thịt lợn phải được đặt trên lá chuối rừng đã hơ qua lửa, rải bên dưới một lớp gạo rang, muối rang. Thịt trước đấy cũng đã được ướp với men lá cùng với gạo rang đã được giã nhỏ. Cứ rải hết lớp thịt người ta lại đổ lên một lớp gạo và muối rang lên cho đến hết thì mới đậy thật chặt, kín nắp bằng lá chuối, đem để gần bếp củi hoặc gác trên bếp. Thịt lợn muối chua khi ăn có vị ngọt thơm của miếng thịt lại có cả vị thơm của cây cỏ núi rừng, vị ngậy của gạo thính rang, vị chua nhẹ rất dịu của men lá.
Rêu đá nướng - Lai Châu
Nếu có cơ hội du lịch Lai Châu nhất định bạn phải thử món rêu đá nướng - một món ăn dân dã của người dân nơi đây. Rêu đá phải rất kỳ công mới có thể lấy về từ các tảng đá bên suối. Sơ chế rêu đá cũng không đơn giản, không chỉ rửa sạch loại bỏ chất bẩn bám vào mà còn phải đem đập vài lần mới có thể chế biến được. Rêu được đem tẩm chung với hạt sẻn, quả muối, hạt dổi, bột ớt, gừng, sả… rồi gói lại vào trong lá dong đem vùi vào trong tro bếp nóng. Món này khi ăn rất lạ miệng nhưng lại thanh mát, mềm, ngậy rất ngon.
Cháo ấu tẩu - Hà Giang
Hà Giang không chỉ nổi tiếng với đèo Mã Pí Lèng, với cao nguyên đá Đồng Văn, hoa tam giác mạch… mà còn được biết đến với món cháo ấu tẩu vô cùng đặc biệt. Củ ấu tẩu sau khi đã được ngâm kỹ trong nước vo gạo một đêm phải được đem hầm ít nhất là 4 tiếng mới đạt yêu cầu. Sau đó người ta bỏ gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm ninh nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Thêm vào chút thịt nạc băm nhỏ, gia vị là đã được bát cháo ấu tẩu với đủ các cung bậc mùi vị: từ vị đắng của ấu tẩu, đến vị thơm của hành, tía tô, vị ngậy của nước xương… Cháo ấu tẩu nếu àm ăn có thể chỉ thấy vị đắng rất khó nuốt nhưng quen rồi lại rất dễ nghiện. Thậm chí có những người thưởng thức một lần lại tìm đến Hà Giang chỉ vì bát cháo ấu tẩu. Món ăn còn là bài thuốc giải cảm rất công hiệu.
Canh mọ - Sơn La
Canh mọ là món ăn truyền thống không thể thiếu vào các ngày lễ Tết của người Khơ Mú sinh sống tại Sơn La. Canh mọ được chế biến từ các loại thịt của chim, chuột, sóc đã sấy khô và được băm nhỏ trộn với hoa chuối, rau thơm, mắc khén, ớt… Sau đó sẽ được cho vào trong ống tre cùng với gạo nếp giống như món cơm lam, đem đốt. Khi sôi thì người Khơ Mú sẽ dùng que tre vót nhọn sọc cho đến khi hỗn hợp nhuyễn, khi chín đem đổ ra bát giống như một loại nướt sốt, dùng xôi nếp hoặc cơm lam chấm ăn rất ngon, đậm đà và mùi vị chắc chắn sẽ rất khó quên.
Nằm khâu - Cao Bằng
Nằm khâu là một món ăn luôn xuất hiện trên mâm cỗ cưới của người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Nằm khâu chế biến cũng rất cầu kỳ, thịt ba chỉ phải đem rán giòn bì sau đó mới được hấp cách thủy với các loại gia vị đặc biệt và khoai (thường là khoai sọ). Món ăn đặc biệt này thoạt nhìn sẽ thấy rất ngấy bởi miếng thịt xếp trên bát khá to lại còn nguyên bì và mỡ, phần nước sâm sấp cũng sóng sánh do mỡ thịt chảy ra. Nhưng nếu đã thưởng thức thì chắc chắn sẽ lại muốn gắp thêm, nằm khâu ăn với cơm rất đưa cơm.
Vịt quay - Lạng Sơn
Vịt quay xứ Lạng từ lâu nay đã nức tiếng xa gần. Vịt quay đúng chất của người Lạng Sơn sẽ phải chế biến rất cầu kỳ. Tẩm ướp vịt cũng cần đủ các loại gia vị như lá rừng, mắc mật, mật ong, hắc xì dầu, sả, ớt, tiêu đen, dầu đậu nành, gừng, chanh, tỏi, mạch nha… Vịt sau khi được vặt lông phải được thổi bằng ống lá đu đủ cho da dẻ căng phồng rồi nhanh chóng thả vào nồi nước sôi cho se lại rồi lại được phết đều lên một loại nước sền sệt với các gia vị đã kể trên. Bụng vịt cũng được nhồi nhiều loại lá rừng đặc trưng rồi khâu lại để cho ngấm sẽ được mang nướng qua trên than hồng cho đến khi màu da vịt chuyển sang nâu thì mới cho vào chảo mỡ sôi đã phi sẵn ớt, xả, gừng. Vịt xứ Lạng sẽ được dùng chung một loại nước chấm đặc biệt mà chỉ nơi đây mới có.
Bánh ngải - Bắc Kạn
Bánh ngải là món ăn quen thuộc của người Tày ở Bắc Kạn. Món bánh này gần giống với bánh dày miền xuôi nhưng lại mang màu xanh đặc trưng của lá ngải. Cầu kỳ nhất khi làm món bánh này là ở công đoạn chọn gạo. Gạo làm bánh phải là loại gạo nếp nương không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải ăn mát và quyện vị hăng nhưng thơm của lá ngải, vị ngọt của nếp nương, của đường. Món bánh này cũng được rất nhiều du khách ưa thích mua về làm quà cho người thân, bạn bè ở nhà.
Gỏi cá bỗng - Tuyên Quang
Gỏi cá bỗng sông Lô ở Tuyên Quang được chế biến rất khác so với những nơi khác. Thay vì dùng thính gạo thì người dân nơi đây dùng chính phần xương cá băm nhỏ, rang cho vàng rồi đem tán mịn để trộn đề với lạc rang giã rối. Cá bỗng làm gỏi cũng phải được ngâm từ trước trong nước chế từ quả tai chua. Khi ăn từng lát cá thái mỏng sẽ được ăn kèm với các loại lá rừng như sung, sấu, vón vén… chấm với một loại nước chấm đặc biệt của địa phương. Nếu có dịp đến Tuyên Quang chắc chắn bạn nên tìm và thưởng thức món đặc sản thơm ngon này.
Bánh coóc mò - Thái Nguyên
Bánh coóc mò là một món ăn truyền thống của dân tộc Tày ở Thái Nguyên. Bánh rất đơn giản và dân dã, được gói lại bằng lá chuối có hình chóp dài, làm từ gạo nếp hương cùng nhân lạc đỏ. Bánh rất dễ ăn, lại không ngấy thích hợp làm món quà vặt hoặc mua về làm quà cho người thân ở nhà.
Thịt chó Việt Trì - Phú Thọ
Nhiều người đồn nhau rằng đến Phú Thọ mà chưa ăn thịt chó Việt Trì thì chưa gọi là đến đây. Thịt chó Việt Trì rất nổi tiếng bởi hương vị đậm đà và cách chế biến đặc biệt, khiến người ăn nhớ mãi. Thịt chó mềm thơm mà lại không bị sẫm màu như các nơi khác. Món dồi, nướng không bị khô mà vẫn đạt độ mềm, thơm vừa tới.
>> Xem tiếp
Theo Ngoisao