Chiến dịch tiêm chủng là niềm hy vọng lớn nhất của chính phủ các nước. Số liều vaccine được sử dụng tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một tháng. Trong khi phần lớn nước nghèo đã bắt đầu tiêm chủng nhờ vào chương trình Covax, có tới 47% lượng vaccine do các nền kinh tế lớn, chiếm 16% dân số thế giới, nắm giữ. Các nước thu nhập thấp chỉ có 0,2% số vaccine.
Tại Mỹ, cơ quan quản lý đã nối lại chương trình tiêm chủng bằng vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson, từng bị dừng do lo ngại chứng đông máu. Ở châu Âu, ngày 24/4, Bỉ cho phép tiêm vaccine J&J đối với tất cả người lớn. Nước này hiện có 36.000 liều vaccine, dự kiến có tổng cộng 1,4 triệu liều kể cho đến tháng 6 năm nay.
Liên minh châu Âu cho biết toàn khối sẽ có đủ vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành vào cuối tháng 7.
Song bất chấp các triển vọng từ chương trình tiêm chủng, Covid-19 vẫn là mối đe dọa lớn. Đức đã ban hành quy định phong tỏa cứng rắn hơn, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, đóng cửa trường học. Các quy tắc mới gây tranh cãi, được thông qua trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình lớn xảy ra ở Berlin.
Tại Anh, lệnh hạn chế tiếp tục khiến người dân tức giận. Cảnh sát London đã bắt giữ 5 người biểu tình quá khích phản đối phong tỏa. Anh bắt đầu gỡ dần hạn chế Covid-19 vào tháng trước nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công.
Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch. Chiến dịch tiêm chủng gặp nhiều trở ngại vì thiếu nguồn cung. Số ca nhiễm gia tăng cũng đẩy hệ thống y tế nước này đến bờ vực sụp đổ. Các bệnh viện thiếu giường nằm, oxy y tế, thuốc men. Nhiều bệnh nhân tử vong bên ngoài cổng viện, các lò hỏa thiêu liên tục đỏ lửa.
Thế giới đến ngày 26/4 ghi nhận hơn 147 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 3 triệu trường hợp tử vong. Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Dịch bệnh tại Brazil cũng chưa hạ nhiệt. Viện y sinh học Fiocruz của chính phủ cảnh báo người trẻ đang ngày càng bị Covid-19 ảnh hưởng. Hàng loạt nước châu Á như Campuchia, Thái Lan, Lào cũng ghi nhận số trường hợp dương tính tăng vọt.
Thục Linh (Theo AFP)