Trong tuần 14-20/2, nhiều trường tiểu học tại TP HCM mở hoạt động bán trú, dạy hai buổi một ngày. Theo sơ kết, hoạt động bán trú ở các trường diễn ra khá hiệu quả, an toàn, giúp phụ huynh yên tâm khi gửi con.
Tại Tiểu học Bông Sao, quận 8, với hơn 2.100 học sinh, trường tổ chức bán trú cho 1.500 em ở 37 lớp. Mỗi ngày, 25 nhân viên cấp dưỡng và bảo mẫu làm việc tại trường từ 4h30 để nhập thực phẩm, sơ chế rau củ, vệ sinh bếp ăn và chế biến.
Khoảng 9h30, họ chia cơm, đồ ăn vào các khay theo hai dây chuyền, chuyển ra khu bàn ăn. Thực đơn mỗi bữa trưa gồm bốn món canh, mặn, xào và tráng miệng. Học sinh bắt đầu ăn trưa từ 10h30, sau khi kết thúc buổi học sáng.
Hiệu phó Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, việc tổ chức bán trú ở trường khó bởi số lượng học sinh đông, nhà ăn rất hẹp. Nhà ăn chính của trường có 800 chỗ, phải giảm công suất phục vụ để tạo độ giãn cách, phòng dịch bệnh. Do đó, nếu chỉ ăn tập trung ở đây, trường buộc phải chia thành nhiều ca. Việc này làm tốn thời gian nghỉ trưa của học sinh, thức ăn để lâu cũng không đảm bảo chất lượng. Trường khắc phục bằng cách bố trí hai nhà ăn phụ ngoài sân để phục vụ thêm 12 lớp, học sinh còn lại ăn tại phòng học.
"Dù sắp xếp như vậy nhưng cũng không đủ chỗ cho các em ăn trưa đồng loạt. Một số lớp vẫn phải chia làm hai ca cách nhau khoảng 15 phút. Quy trình cho học sinh ra, vào chỗ ăn phải nhịp nhàng để tránh lộn xộn, mất an toàn", cô Phương cho biết.
Khó khăn khác của trường là thiếu nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu, trong khi đầu việc lớn. Vào bữa ăn trưa, 25 nhân viên làm việc gần như không nghỉ tay. Họ liên tục chuyển khay cơm để thay thế ở các bàn, múc thêm cơm, canh khi học sinh có nhu cầu. Giáo viên chủ nhiệm, giáo sinh ở mỗi lớp được tăng cường phục vụ bữa ăn bán trú; thầy cô nhắc nhở học trò giữ nề nếp, hỗ trợ những em ăn chậm hoặc biếng ăn.
Hết giờ ăn trưa, giáo viên chủ nhiệm trở về lớp sắp xếp cho học sinh nghỉ ngơi, bảo mẫu lau dọn bàn ăn, chuẩn bị cho bữa xế. "Phí phục vụ bán trú mỗi tháng là 160.000 đồng, tiền ăn mỗi ngày là 30.000 đồng. Do kinh phí hạn hẹp, lương thấp nên thời gian qua, một số bảo mẫu đã nghỉ trong khi việc tìm người mới không dễ", cô Phương giải thích cho vấn đề thiếu nhân sự.
Bù lại những khó khăn, theo cô Phương, việc tổ chức bán trú giúp trường Bông Sao nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của hầu hết phụ huynh. Thay vì bỏ việc ở công sở, đến trường lúc 10h30 đón con khi không có bán trú, cha mẹ chỉ cần đón con sau 16h30.
Tổ chức bán trú giúp trường có thể dạy hai buổi một ngày, hoàn thành tiến độ chương trình và đảm bảo chất lượng dạy học. "Công suất bán trú tối đa của trường là 1.700 em. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhận thêm học sinh bán trú nếu phụ huynh yêu cầu", cô Phương cho biết.
Tương tự Tiểu học Bông Sao, nhiều trường khác lên kế hoạch tổ chức bán trú trong vài tuần đầu khi mở cửa với số lượng học sinh lớn, bếp ăn tại chỗ. Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh tổ chức bán trú cho hơn 2.600 học sinh; Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 hơn 1.700 học sinh; Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp hơn 1.100 học sinh.
Tại Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, đồ dùng cá nhân của hơn 400 học sinh bán trú được đánh số thứ tự để tránh nhầm lẫn. Do đủ nhân sự, ngoài giáo viên chủ nhiệm, mỗi lớp còn có một bảo mẫu hỗ trợ việc vệ sinh, ăn uống và ngủ nghỉ tại trường. Giờ ăn trưa của học sinh bắt đầu tư 10h40, kết thúc sau đó 20 phút. Tiếp đó, các em xếp hàng đánh răng, nhận gối ngủ; 13h15 thức dậy, vệ sinh cá nhân, bước vào buổi học chiều.
Hầu hết trường đều bố trí lệch ca trong giờ ăn, phân luồng trong giờ ra chơi, ngủ, đảm bảo giãn cách học sinh. Một số trường đo cân nặng, chiều cao, kiểm tra tình trạng sức khoẻ học sinh để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Trong khi đó, một số trường không có bếp ăn, phải đặt suất ăn công nghiệp. Quy trình tổ chức bán trú do đó được siết chặt. Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 4 hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho hơn 350 học sinh. Các điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm và khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ được nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng.
Từ 9h mỗi ngày, suất ăn được vận chuyển đến sảnh ăn để học sinh dùng sau 10h30. Trường tách lớp, chia ca học sinh, đảm bảo không gian thông thoáng.
Hiệu trưởng Lê Ngọc Phong cho biết, công suất tổ bán trú của trường là hơn 600 em, tức gần 100%. Sắp tới, trường sẽ nhận thêm học sinh bán trú nếu cha mẹ có nhu cầu. Theo thầy Phong, tổ chức bán trú trong bối cảnh dịch bệnh khá phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, việc này là không thể thiếu khi mở cửa trường.
"Thực tế cho thấy, nguy cơ lây nhiễm giữa việc tổ chức bán trú hoặc không tổ chức khi cho học sinh trở lại trường là như nhau. Do đó, nếu đã mở cửa trường mà không mở bán trú, việc học trực tiếp không nhiều ý nghĩa", thầy Phong nói.
Mở bán trú, canteen, học hai buổi một ngày là chủ trương của ngành giáo dục TP HCM khi lần lượt mở cửa trường từ giữa tháng 12/2021. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường, đặc biệt ở địa bàn vùng xanh, tổ chức các hoạt động này để học sinh học trực tiếp nhiều nhất, giảm gánh nặng cho phụ huynh.
Tuy nhiên, do đóng cửa liên tục tám tháng, phần lớn trường hụt nhân sự bảo mẫu, cấp dưỡng khi hoạt động trở lại. Việc đảm bảo giãn cách, an toàn khi tổ chức bán trú, đáp ứng theo bộ tiêu chí an toàn trường học cũng là bài toán khó với nhiều nơi. Điều này khiến nhiều trường chưa tự tin mở cửa bán trú.
Nhìn nhận thực trạng này, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, Sở và ngành Y tế sẽ phối hợp tập huấn, hướng dẫn tổ chức bán trú đảm bảo an toàn. Các trường sẽ dần mở hoạt động này khi đủ điều kiện.
"Phụ huynh cũng nên cũng chia sẻ với nhà trường. Việc thực hiện ngay bán trú ở nhiều nơi rất khó, bởi đây là hoạt động đặc thù", ông Trọng cho biết.
Cùng với TP HCM, nhiều địa phương cho học sinh các khối học trực tiếp từ 7/2 nhưng dè dặt tổ chức bán trú. Tại buổi kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp tại Hải Phòng hôm 9/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh nhiều chuyên gia y tế cho rằng học sinh đến trường một buổi hay cả ngày là không khác nhau nhiều về mặt phòng dịch nên không nhất thiết bỏ bán trú.
Ông Sơn đề nghị những trường có điều kiện nên tổ chức bán trú để vừa đảm bảo việc học tập của học sinh, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa đón con của phụ huynh. Theo ông, tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm làm việc cũng là tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.