Thí sinh làm bài Ngữ văn trong 120 phút, bắt đầu từ 7h35.
Tại Hà Nội - địa phương đông thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT nhất với gần 98.000, nhiều gia đình dậy từ 4-5h sáng để chuẩn bị bữa sáng, động viên các sĩ tử. Dù 6h45h mới cần có mặt trong phòng thi, nhiều sĩ tử đến sớm hơn để tránh các sự cố trên đường.
Điểm thi trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) không ghi nhận thí sinh nào đến muộn. Nhờ có khu vực vỉa hè rộng và lực lượng chức năng phân luồng từ sáng sớm, đoạn đường trước cổng trường Yên Hòa không bị ùn tắc. Phụ huynh và người thân thí sinh được hướng dẫn di chuyển về điểm chờ tại trường Tiểu học Yên Hòa và Nhà văn hóa quận Cầu Giấy.
Dự thi tại điểm thi THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Hoàng Việt, quân nhân 20 tuổi, xác định có mặt từ 6h "do đã quen giờ giấc quân đội". Đơn vị của Việt cách địa điểm thi khoảng 2 km nên thời gian di chuyển không đáng kể. Em không mang theo nhiều đồ đạc. Ngoài chiếc mũ cối, Việt chỉ cầm giấy tờ dự thi kèm các dụng cụ như bút, thước... đặt trong kẹp trong suốt.
Trong kỳ thi này, Việt là thí sinh tự do, chỉ lấy điểm để xét tuyển Học viện Biên phòng. Năm ngoái, điểm chuẩn với thí sinh nam ở miền Bắc, dự thi tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) vào Học viện Biên phòng là 28,5, trong đó điểm Văn không dưới 7,5.
Được cộng 2 điểm ưu tiên đối tượng, Việt nhẩm tính mình vẫn cần đạt khoảng 9 điểm mỗi môn để đạt tổng 26-27, tương đương mức trúng tuyển năm ngoái. "Điểm chuẩn cao quá nên em rất lo lắng", Việt nói. Những ngày trong đơn vị, em chỉ có thể tranh thủ ôn tập. Khi làm đề, Việt thường được 8,5-9,75 hai môn Sử và Địa, nhưng Văn khoảng 7-7,5. Xác định Văn là điểm yếu và cần tập trung cải thiện, Việt đầu tư nhiều hơn cho môn này.
Em dự đoán đề thi hỏi về "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân. Việt giải thích đây là tác phẩm nhiều năm chưa xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp.
Trái với dự báo nắng nóng trước đó, tiết trời ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế hay Thanh Hoá mát mẻ, giúp thí sinh thoải mái và thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Tại điểm thi trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), nhiều thí sinh đến từ rất sớm, tranh thủ ôn lại kiến thức môn Ngữ văn trong khuôn viên trường. Một số em mang điện thoại, áo khoác vào qua cổng được giáo viên nhắc nhở gửi ở bên ngoài. Gần 40 tình nguyện viên túc trực tại điểm thi này để hỗ trợ thí sinh.
Ngược lại, cũng có những sĩ tử hơn 7h mới tới điểm thi. Dù muộn hơn thời gian thông báo phải có mặt trong phòng thi, đa số giữ được tâm lý bình tĩnh.
Ngoài cổng, một số phụ huynh hớt hải chạy đến nhờ tình nguyện viên rà giúp giấy tờ, phòng trường hợp con để quên, ảnh hưởng đến việc thi cử.
Tại TP HCM, hơn 85.000 thí sinh đến 158 điểm thi trong tiết trời tạnh ráo. Trước điểm thi THPT Trưng Vương, giao thông ùn ứ nhẹ do đông phụ huynh tập trung trước cổng trường. Lực lượng công an và dân phòng được bố trí để phân luồng giao thông.
Điểm thi có 654 thí sinh với 30 phòng thi. Do một nữ sinh bị gãy chân trước ngày thi, một phòng thi được chuyển từ lầu hai xuống tầng trệt. Nhiều thí sinh tỏ ra hồi hộp trước môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với nguyện vọng vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nguyễn Ngọc Linh đặt kỳ vọng cao ở môn Ngữ văn. Linh ôn tập theo cấu trúc đề thi minh họa, đặt chỉ tiêu giành điểm trọn vẹn ở câu đọc hiểu, 80% điểm ở câu nghị luận xã hội. Với câu nghị luận văn học, nữ sinh ôn tập theo nhóm tác phẩm chính. "Thế mạnh của em là văn xuôi nên hy vọng câu nghị luận văn học sẽ trúng sở trường của mình", nữ sinh cho biết.
Để chắc suất vào ngành Marketing, trường Đại học Kinh tế TP HCM, thí sinh Nguyễn Thiên Ngân (THPT Marie Curie) ôn tập ráo riết trong những ngày cuối. Trên đường đến điểm thi, Ngân hồi hộp và căng thẳng nhưng tới nơi, gặp nhiều bạn giống mình, em trở nên an tâm hơn.
"Em hy vọng sẽ đạt 7 điểm môn Văn và phần Nghị luận văn học sẽ vào tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Vợ chồng A Phủ. Đây là hai tác phẩm em ôn tập kỹ nhất", Ngân nói, mong buổi thi Văn suôn sẻ để có tinh thần tốt trước khi thi Toán - môn em lo lắng nhất.
Tại Cần Thơ, hơn 12.200 thí sinh sẽ dự thi môn Ngữ văn sáng nay. Thi tại trường THPT Châu Văn Liêm, ngôi trường gắn bó suốt ba năm THPT, Huỳnh Thị Diễm Quỳnh cảm thấy an tâm hơn. Nữ sinh đặt mục tiêu giành điểm xét tuyển đại học từ 27 trở lên.
"Để không bị chán nản khi ôn tập, em ôn xen kẽ các môn theo từng ngày. Ngoài ra, trước thi một tuần, em không giải đề mà ôn lại các kiến thức cũ", Quỳnh nói. Với việc vừa học online, vừa được thầy cô rèn kiến thức thêm tại nhà, Quỳnh đã sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này.
Chiều nay các em làm bài thi môn Toán trong 90 phút, bắt đầu từ 14h30. Sáng 8/7, thí sinh sẽ thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và kết thúc kỳ thi với môn Ngoại ngữ vào chiều 8/7.
Trừ Ngữ văn thi tự luận, đề các môn thi còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm khách quan. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định đề thi chủ yếu kiểm tra kiến thức mang tính cơ bản nhưng vẫn có độ phân hóa để phân loại thí sinh, phù hợp với yêu cầu của nhiều trường đại học dùng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.
Năm 2022, cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Gần 860.000 thí sinh thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/7, có gần 990.000 thí sinh đi làm thủ tục dự thi tại hơn 2.200 điểm thi, đạt 98,75% số đã đăng ký. Những thí sinh chưa làm thủ tục hôm qua sẽ được được tạo điều kiện thực hiện bước này trong sáng nay, trước khi bắt đầu làm bài Ngữ văn.
Cả nước có 38 thí sinh thuộc diện F0 có mặt ở các điểm thi. Những thí sinh này thi ở phòng riêng theo quy chế phòng, chống Covid-19.
Nhóm phóng viên