Madagascar, quốc đảo lớn thứ hai trên thế giới, là điểm dừng chân thứ hai của Giáo hoàng Francis trong chuyến công du ba nước châu Phi. Nhiều người đội mũ trắng và vàng, màu sắc của Vatican, và reo hò khi xe chở Giáo hoàng di chuyển qua.
Đám đông khổng lồ kiên nhẫn chờ đợi từ sáng sớm tại giáo phận Soamandrakizay ở thủ đô Antananarivo, nơi diễn ra Thánh lễ. Nhiều người đến trước một ngày hoặc dựng lều ở ngoại ô từ hôm 6/9 để được dự Thánh lễ do Giáo hoàng chủ trì. Ban tổ chức trước đó cũng ước tính khoảng một triệu người sẽ tham dự và họ đánh giá đây là buổi tập trung cộng đồng lớn nhất trong lịch sử Madagascar.
"Chúng tôi rất mệt nhưng những hi sinh này rất đáng vì chúng tôi được tận mắt thấy Giáo hoàng và được Ngài ban phước lành", ông Prospere Ralitason, 70 tuổi, người vượt quãng đường 200 km để đến buổi lễ, cho hay.
Trong bài thuyết giảng, Giáo hoàng kêu gọi người dân Madagascar "xây dựng lịch sử trong tình anh em và đoàn kết", "hoàn toàn trân trọng Trái Đất và những món quà của nó, cũng như phản đối bất kỳ hình thức bóc lột nào". Giáo hoàng cũng lên án "những tục lệ dẫn đến văn hóa đặc quyền, bài trừ" và chỉ trích những người coi gia đình là "tiêu chí quyết định cho những gì chúng ta cho là đúng và tốt".
Giáo hoàng Francis cũng ca ngợi "niềm vui và sự nhiệt tình" của đám đông đang ca hát. Ông khuyến khích giới trẻ không rơi vào "cay đắng" hoặc mất hy vọng, ngay cả khi họ sống thiếu thốn hay không được học hành đầy đủ. Hôm 7/9, Giáo hoàng cũng kêu gọi người dân Madagascar bảo vệ môi trường độc đáo của Ấn Độ Dương khỏi "nạn phá rừng quá mức".
Sau buổi lễ, Giáo hoàng đến thăm Akamasoa, thành phố được thành lập bởi linh mục người Argentina Pedro, người đã đưa hàng nghìn người nhặt rác Madagascar thoát đói nghèo.
Madagascar, quốc gia nổi tiếng với sự đa dạng rộng lớn của hệ thực vật và động vật, là nơi sinh sống của 25 triệu người. Phần lớn người dân nơi đây sống trong nghèo đói với thu nhập dưới hai USD một ngày. Hơn một nửa số thanh niên Madagascar không có việc làm, ngay cả những người có trình độ cao.
Hàng nghìn thanh niên, chủ yếu là nam giới, tới buổi lễ của Giáo hoàng để được ban phước. "Tôi tới đây xin Giáo hoàng ban phước để đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, bất an, nghèo đói và tham nhũng", Njara Raherimana, 17 tuổi, nói. "Tất cả những điều này mang lại cho tôi hy vọng về sự thay đổi ở đất nước", Antony Tovonalintsoa, người sống ở ngoại ô thủ đô, cho hay.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng tới Madagascar sau 30 năm. Giáo hoàng Francis đã đến thăm Mozambique hồi đầu tuần và dự kiến đến quốc đảo Mauritius vào 9/9.
Huyền Lê (Theo AFP)