Tuổi ấu thơ lứa chúng tôi không nhiều thời gian học hành nhưng lại nhiều thời gian vui chơi. Chính những ngày vui chơi đó làm chúng tôi biết nhiều về Hà Nội và làm nên nỗi nhớ Hà Nội trong tôi luôn đầy ắp.
Mỗi lần ra Bờ Hồ, như vẫn thấy còn văng vẳng bên tai những tiếng leng keng tầu điện. Ngày đó bọn nhóc chúng tôi mới chỉ mười ba, mười bốn tuổi chuyên đi tầu điện trốn vé. Tầu bắt đầu chuyển bánh là bọn chúng tôi lần lượt bám nhau nhảy tầu. Chúng tôi chân đứng chân co, thập thò ở bậc lên xuống bằng gỗ và nếu bị kiểm soát gắt, chúng tôi lần lượt liệng bay xuống đường điệu nghệ như những cánh chim sà xuống đất bắt mồi, rồi lại chầm chậm đi bộ, chờ chuyến tầu sau. Cảm giác vừa không mất tiền mua vé, vừa được dịp trổ tài biểu diễn cùng nhau cứ lâng lâng. Thấy mình như những diễn viên xiếc đang biểu diễn cho mọi người xem trong tiếng trầm trồ lẫn tiếng mắng mỏ. Trốn vé tầu phải có vài ba đứa mới vui.
Tôi rất thích nghe tiếng rao bán dạo trên tầu điện, dù đó là bán thuốc hay bán báo. Ngày đó, bán rong trên tầu điện không có mấy trẻ con. Trẻ con thường đi bán kem. Toàn những người trung niên và già già rồi mới bán thuốc, vậy mới có người mua. Những lời rao bán các loại thuốc viên, thuốc cao dán, thuốc bôi. Cả hôi nách, hắc lào đều có. Bán và có khuyến mãi, mua một tặng một. Mọi loại đều rất hay và đặc biệt là rất buồn cười. Tôi có cảm tưởng người đi tầu điện dù biết bị đánh lừa nhưng vẫn cứ mua vì được cười vui một chốc một lát. Họ mua vì có được niềm vui.
Nhưng điều gây ấn tượng nhất thời ấu thơ nhảy tầu của tôi là nghe xẩm tầu điện. Gánh xẩm tầu điện không bị mất tiền mua vé. Thường họ có ba người. Hai vợ chồng mù và một đứa bé, đứa bé này thường là con gái. Tất cả mọi người trong gánh xẩm đều biết hát. Tiếng nhị cò cưa dạo đầu khi tầu còn đỗ và họ hát hầu như trên suốt quãng tầu chạy. Những câu hát vọng về nỗi nhớ xa xăm và nỗi buồn nơi trần thế. Nghe như chính họ nói về thân phận mình, não nề và ai oán lắm. Vậy mà tôi vẫn muốn nghe. Đôi khi tiếng hát dừng lại để con bé con chìa chiếc nón mê rách mướp mất vành xin từng đồng bạc lẻ. Thi thoảng, tôi cũng bỏ vào chiếc nón đó những đồng tiền nhỏ nhoi mà tôi tích cóp được. Tôi thường mải nghe và quên luôn cái bến mình phải xuống.
Tôi không hình dung ra cuộc sống của những người trong gia đình gánh hát xẩm như thế nào. Nhưng không hiểu sao, tôi luôn nghĩ họ là những người ăn xin, chẳng khác gì người ăn xin. Mặc dù họ phải khản giọng hát suốt ngày. Đã là ăn xin thì chắc là phải khổ rồi. Những đồng bạc nhàu nhĩ kiếm được có khác gì những đồng bố thí. Có lẽ vì vậy mà từ tuổi ấu thơ học trò đó, tiếng hát xẩm và tiếng leng keng tầu điện cứ ám ảnh theo dọc đường đời và là nỗi nhớ của tôi. Nhớ về Hà Nội là tôi nhớ tiếng leng keng tầu điện và tiếng hát xẩm.
Gần đây ở chợ Đồng Xuân, hàng tối thứ bảy, hát xẩm được phục hồi. Những người hát xẩm ngày xưa được vinh phong như các nghệ sĩ dân gian. Tôi thấy tự hào như chính mình được vinh dự đó. Tôi thường đến nghe hát để tìm lại ngày xưa, nhưng không gặp. Xẩm giờ đây không còn nỗi bi ai nữa. Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Tầu điện không còn và hát xẩm tầu điện cũng vì vậy mà mất. Một cái gì nuối tiếc trong tôi. Tôi có cảm giác là tuổi ấu thơ học trò của tôi bị mất và chẳng có gì đổi lại được..
Thì đúng quá rồi còn gì. Tôi tự mắng mình: “Thời gian đã qua làm sao còn lấy lại được nữa…Tiếc nuối cũng là vô ích…” Vậy mà vẫn cứ thấy rạo rực trong lòng, xao động con tim khi xem những thước phim tài liệu cũ kỹ ngày xưa có cảnh quay tầu điện. Tôi hình dung ra những đứa trẻ con liệng bay từ trên tầu xuống đường như những cánh chim sà xuống mặt đất. Tôi thấy tôi trong đó. Hà Nội một thuở trong tôi đẹp quá!
9/8/2010
Vinh Anh