Người gửi: Khoa Đặng
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Một thông điệp xấu của một việc làm tốt
Việc tuyên bố rút quân của chính phủ Gloria Arroyo thật sự có phần thông cảm được. Một mặt vì quân đội Philippines không đóng vai trò trọng yếu, một mặt xoa dịu dư luận trong nước. Tôi nghĩ bà Gloria Arroyo đã lựa chọn một quyết định mà bà cảm thấy là đúng. Theo tôi, người đứng đầu một đất nước luôn phải kiên định nhưng cần uyển chuyển trong cách giải quyết vấn đề.
Song, chính phủ Gloria Arroyo cũng đã gửi một thông điệp khuyến khích quân khủng bố rằng "yêu sách của quý vị đã được đáp ứng". Và tôi nghĩ đó là liều thuốc kích thích rất quý giá và khan hiếm mà bọn khủng bố đang rất cần. Rồi đây, họ có động lực đến bắt thêm và giết thêm những con người vô tội và lương thiện. Tạo ra một tiền lệ xấu là bắt cóc thường dân rồi hành quyết dần trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Tôi cũng mừng là chưa có người phụ nữ nào bị hành quyết và tôi cầu mong là nó sẽ không bao giờ xảy ra.
Tôi đã không ủng hộ việc Hàn Quốc rút quân về nước vì lực lượng Hàn Quốc đóng một vài trò khá quan trọng trong quá trình tái thiết Iraq và vì không thể thoả mãn yêu sách của khủng bố. Như tôi đã nói trên, người đứng đầu một quốc gia luôn phải uyển chuyển trong việc đưa ra các giải pháp. Việc Hàn Quốc không rút quân thật sự là một giải pháp thích hợp nhất nhằm củng cố vị thế đồng minh với Mỹ cả về vấn đề kinh tế lẫn về vấn đề khủng hoảng hạt nhân từ kẻ thù tiềm ẩn Bắc Triều Tiên.
Tôi có đọc bài viết của bạn Nguyễn Mạnh Cường và tôi nhìn thấy được quan điểm của bạn. Bạn trình bày rằng: "An ninh ở Iraq thì bất ổn, lợi lộc của Philippines từ Iraq chẳng có gì". Tôi cảm thấy nhận xét này hơi phiến diện. Có lợi hay không thì tôi nghĩ rằng đó là vấn đề ngoại giao giữa Washington và Manila. Chỉ có quan chức giữa hai bên mới biết thật sự Philippines có "lợi lộc" hay không khi bà Arroyo gửi quân tới Iraq. Chúng ta không thể quan sát một vài sự kiện rồi đánh giá tổng quát vấn đề. Bạn còn nói thêm rằng: "Nhưng việc yêu cầu quân đội nước ngoài rút quân của người dân đất nước bị chiếm đóng là hoàn toàn chính đáng". Điều này có ý nghĩa sâu xa rằng bắt cóc chặt đầu đòi yêu sách của các nhóm bắt cóc là chính đáng. Tôi thật sự không bị thuyết phục đối với cách suy nghĩ như vậy. Người dân Hàn Quốc cũng phản đối quân đội Mỹ tại nước họ, đã có những cuộc biểu tình, xô xát xảy ra. Nhưng họ cũng chưa bao giờ đánh trọng thương một người Mỹ nào trên đất nước họ để yêu cầu Mỹ rút quân. Và đây là cách nhìn của tôi. Bạn còn cho rằng "cách hành hình truyền thống của người Arab là chặt đầu". Điều này làm tôi thật sự ngạc nhiên. Vậy mong bạn đưa vài dẫn chứng của cái "truyền thống" này từ vài chục năm trở lại đây để độc giả được nghiên cứu thêm.
Bạn Cường cho việc chặt đầu con tin là vũ khí của những kẻ bắt cóc, rằng họ bất đắc dĩ khi phải chặt đầu con tin. Vậy nếu bạn đã từng xem qua đoạn phim Nick Berg thì bạn sẽ thấy bọn thú tính đó tự hào biết chừng nào khi đưa chiếc đầu của nạn nhân trước ống kính camera. Họ tuyên bố làm chuyện này vì thánh Allah, bạn thì nghĩ họ làm vì đất nước Iraq. Thật sự, tôi khó mà tìm ra đâu là "chân lý" thật sự.
Cuối cùng, bạn tin rằng: "Nếu bạn là người ủng hộ cuộc kháng chiến chống chiếm đóng của nhân dân Iraq thì bạn nên coi cái chết của các con tin là sự hy sinh cho độc lập và tự do của những người đã hành quyết họ". Tôi không chấp nhận điều đó, chính phủ Việt Nam không chấp nhận điều đó, và đại cộng đồng thế giới cũng phản đối điều đó. Không ai có quyền kết nối số phận của các con tin với tình hình ở Iraq. Và bạn nên nhớ rằng, những con tin bị bắt và giết như những kẻ có tội và chịu án tử hình. Tôi tin rằng không ai trong chúng ta chấp nhận điều này. Tôi mong bạn có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề con tin ở Iraq, rằng bắt cóc con tin không phải là một giải pháp, cũng chẳng phải là một thứ vũ khí hữu hiệu và sẽ không bao giờ thành công. Có nên thì mong bạn hãy hy vọng cho đất nước Iraq mau chóng ổn định và đi vào phát triển kinh tế.