Ngày 27/4, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, có 9 thợ lặn làm việc tại Công ty Nibelc - doanh nghiệp cung ứng nhân lực thi công đê chắn sóng cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đến kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu. Trong đó 7 người đi theo đoàn và 2 người đi riêng lẻ (4 người quê Khánh Hòa, 5 người quê Hà Tĩnh).
Nhóm thợ lặn sau đó đăng ký khám bệnh các chuyên khoa thông thường thì 8 người không phát hiện các biểu hiện bệnh lý nguy hiểm. Riêng nam thợ lặn 39 tuổi (quê Khánh Hòa) do triệu chứng nôn mửa, đau tức ở vùng bụng nên đề nghị được xét nghiệm thêm các chỉ số khác. Mẫu bệnh phẩm được gửi vào TP HCM cho kết quả bệnh nhân bị nhiễm độc đồng cao gấp hơn 2 lần mức bình thường.
Theo một nguồn tin, bệnh nhân bị nhiễm độc đồng có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy và quặn đau ở vùng bụng. Nếu không theo dõi, điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị nhiễm độc ở nhiều cơ quan như gan, thần kinh, mắt, thận, tim, máu... và có thể tử vong. Cả 9 thợ lặn đã rời khỏi Bệnh viện Trung ương Huế ngay trong chiều 26/4 và không ai nhập viện điều trị.
Bác sĩ bệnh viện này khuyến cáo nhóm thợ lặn ở Formosa nên đến bệnh viện xét nghiệm kim loại nặng để phát hiện và điều trị kịp thời.
Trước đó theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, khoảng 18h45 ngày 24/4 đã tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn Ngẩy (46 tuổi, quê Khánh Hòa) trong tình trạng đã chết, môi thâm tím, đồng tử không đáp ứng ánh sáng và nhịp tim không có. Sáng hôm sau, công an thị xã Ba Đồn đã khám nghiệm tử thi và dự kiến sau 1-2 tuần sẽ có kết quả để làm rõ nguyên nhân tử vong.
Ông Ngẩy là thợ lặn của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc, trụ sở tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình). Trước khi tử vong, ông Ngẩy từng lặn biển thi công tại khu vực đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương, khu kinh tế Vũng Áng.
Việc thợ lặn tử vong và bị nhiễm độc sau khi làm việc ở vùng biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) càng làm dấy lên nghi vấn ô nhiễm môi trường biển ở khu vực này. Hơn 3 tuần qua, nhà chức trách đã ghi nhận Hà Tĩnh có khoảng 10 tấn cá, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ. Đó là chưa kể số thủy sản nuôi lồng bè, nuôi ở các hồ ven biển.
Sau khi lấy mẫu cá, mẫu nước và đất để kiểm tra, cộng với phân tích dòng hải lưu, ảnh vệ tinh, các nhà khoa học đến từ Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam loại trừ nguyên nhân do động đất, tràn dầu; các chuyên gia thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại trừ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh. Các chuyên gia đều cho rằng một yếu tố cực độc làm cá chết.
Chiều 27/4, đại diện 7 bộ liên quan đã họp bàn để kết luận độc tố đó là gì.
Đắc Đức - Hoàng Táo