Thứ năm, 31/1/2019, 20:00 (GMT+7)

Những cây nho Pháp ra rất nhiều hoa. Nhưng phần lớn quả chết non, rất ít quả đạt độ chín" - ghi chép của Alexandre Yersin tại trạm quan trắc Hòn-Bà, 1925.

"Những cây nho sinh trưởng tốt tại Chapa. Một gò lớn đã được trồng với 2000 gốc ghép của Mỹ, sau đó những gốc này được ghép với các giống tốt của Pháp. Nhưng với sự bỏ rơi trạm Chapa, những cây ghép này đã chết" - ghi chép tại trạm quan trắc Chapa (Sapa), 1923.

"Tìm thấy những chùm nho đẹp đẽ nặng tới cả kilo tại Sông Cái, Nha Trang. Nhưng chúng vẫn chưa ăn được" - di cảo của nhà thực vật học Eugene Poilane, đầu thế kỷ 20.

Từ Hòn Bà, Nha Trang, nơi làm việc của viện trưởng huyền thoại Yersin, cho đến cực Bắc của xứ An Nam, các nhà khoa học Pháp thời thuộc địa đã dành rất nhiều tâm sức trả lời một câu hỏi: Loại cây châu Âu nào có thể trồng được trên các cao nguyên Đông Dương?

Đó là những người Pháp - và nho tất nhiên là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong nông nghiệp của họ. Nhưng không ai thực sự chạm đến bí mật của cây nho trên xứ sở Đông Dương. Thiên tài Yersin, người đã đưa thành công cây cao su vào Việt Nam, cũng không thành công. Chỉ trừ một người tiến đến gần nhất: Eugene Poilane.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Maine-et-Loire, năm18 tuổi, Poilane đi lính, tham gia vào lực lượng pháo binh thuộc địa, và được đưa sang Đông Dương.

Tại Sài Gòn năm 1918, Eugene Poilane gặp Auguste Chevalier - nhà thực vật học huyền thoại người Pháp. Chàng trai lớn lên trong nông trại tò mò đặt những câu hỏi cho Chevalier về nghề nuôi ong và các sản vật của thuộc địa. Vì lý do nào đó, Chevalier bị hấp dẫn bởi Poilane. Ông thâu nạp anh để đi tìm kiếm các mẫu thực vật cho nghiên cứu của mình.

Chân dung Eugine Poilane. Tranh: Nguyễn Cẩm Anh.

Dấu chân của Poilane trong các thập kỷ sau đó đã in trên khắp bán đảo. Người ta có thể nhìn thấy nhiệt huyết và sự tò mò khám phá của chàng trai ngay từ trong những ghi chép còn lại. "Ở vùng cao nguyên có những quả lê cho quả cứng, với kích thước đẹp, nấu với rượu thì rất tốt" - chàng trai liên tưởng ngay những quả lê miền núi với món lê hầm rượu đỏ tại quê nhà. "Tại thung lũng sông Mã, tôi nhìn thấy những cây hạt dẻ đẹp và mập mạp, có thể bán được ở chợ. Điều gây tò mò là chúng mọc ở độ cao thấp"...

Và Poilane nhìn thấy đầu mối của một nền trồng nho ở nhiều vùng đất, vùng khí hậu tại Việt Nam. Ở gần biên giới Lào, vùng Thanh Hóa, nơi mà "người An Nam còn rất hiếm, chỉ có những người Mường ngọt ngào" ông gặp "một dàn nho tuyệt vời, phải có tới 20 kg quả". Ông nhìn thấy ở Huế và Quảng Trị những giống nho bản địa có thể làm gốc ghép cho nho Pháp. Ông nhìn thấy ở Kontum một mùa khô dài có thể trồng được nho...

Và trên hành trình bất tận với những giống cây bản địa, Eugene đã đến rất gần một địa danh: Sông Cái.

Chương về cây nho, trong di cảo "Cây ăn quả Đông Dương" ( Les Arbres Fruiters d’Indochine), được xuất bản một năm sau ngày ông mất (1965), có một ghi chú nhỏ: "Một người dân tại Đà Lạt báo với chúng tôi rằng có loại nho ăn được tại thượng nguồn Sông Cái của Phan Rang ở đồng bằng Krong-Pha".

Phải đến hơn một nửa thế kỷ sau, người ta mới biết giá trị thực sự của dòng ghi chú đó. Phan Rang bây giờ là Ninh Thuận. Vùng thượng nguồn Sông Cái nằm ở "đồng bằng Krong-Pha" là nơi Sông Pha (Krong-Pha) giao với Sông Cái. Địa danh được nhắc đến trong di cảo của Eugene Poilane, chính xác là huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận ngày nay.

Ở năm 2019 này, khi đặt chân đến Ninh Sơn, bạn sẽ nhìn thấy nho. Không chỉ thế, đó còn là những vườn nho hiện đại nhất đất nước, như Ladora Winery Vineyard – của Ladofoods. Tại đây, người Việt Nam đã hoàn tất cuộc kiếm tìm của người Pháp.

Các minh họa trong bài viết này được thực hiện bởi họa sĩ Nguyễn Cẩm Anh, bằng một chất liệu đặc biệt: vang Chateau DaLat. Vẽ bằng vang là một tập tục có từ thế kỷ 11, được các nghệ sĩ châu Âu thời trung cổ thực hiện để tôn vinh sức sống của loại nước uống mang lại niềm say mê. Trong trường hợp này, các bức họa bằng vang được thực hiện như cách ghi nhận hành trình một thế kỷ vất vả vun trồng loại quả màu tím tại Việt Nam, để đến được vùng trồng tại Ninh Thuận như hôm nay. 

Eugene Poilane trong những năm về già đã quyết định sống tại Việt Nam. Ông lai ghép thành công các giống nho Pháp với các gốc bản địa, nhưng không trồng nó ở vùng Phan Rang hay Kon Tum, mà đưa về Khe Sanh - nơi ông nuôi nốt giấc mơ làm nông cùng quê hương thứ hai của mình.

Eugene Poilane không chuyên chú với cây nho: ngày nay, ông được nhớ đến là "ông tổ" của nghề trồng cà phê ở Khe Sanh. Poilane trồng những cây cà phê đầu tiên ở Khe Sanh năm 1926, để rồi nó thành một vùng trồng rộng lớn và thương hiệu toàn cầu như bây giờ.

Thực tế, những người Pháp đã hơn một lần tiến gần đến những "tín hiệu nho" ở Phan Rang, nhưng vì nhiều lý do, họ không thực sự bắt đầu. Tín hiệu đầu tiên bắt đầu từ tận cuối thế kỷ 19, khi toàn quyền Đông Dương Paul Doumer mới nhậm chức và bắt đầu đi thăm thú toàn cõi. Trong hồi ký "Xứ Đông Dương" của mình, Doumer tỏ ra không mấy thích thú trước khí hậu của vùng Phan Rang, và cho rằng nông nghiệp nơi này sẽ "giống Algerie".

Một sự so sánh khá thú vị: người Pháp thật ra đã không quyết tâm trồng nho ở các thuộc địa khác, bởi vì họ đã có Algerie. Thuộc địa Bắc Phi này là nơi mà các chủ đồn điền Pháp, trong những năm đầu của thế kỷ 20, đã trồng và tạo ra phần lớn rượu vang hảo hạng trên các bàn tiệc châu Âu. Algerie ngày hôm nay không còn là một quyền lực xuất khẩu vang, nhưng luôn là một thế lực đáng tôn trọng của lịch sử ngành vang thế giới. Và trong thập kỷ 50, thì lượng vang từ Algerie bằng phần lớn các nước xuất khẩu vang trên thế giới cộng lại.

Nước Pháp đã có Algerie, với cái nắng và khí hậu khô để giảm xuống những giống nho hảo hạng của mình. Họ không để ý tới vùng đất có khí hậu tương tự ở xứ Đông Dương nữa. Có lẽ trong đầu Paul Doumer khi nhìn thấy cái nắng Phan Rang, chỉ nghĩ về những giống cây lương thực. Việc nơi này cũng có thể tạo ra những chai vang thượng hạng - như đã làm ở đất Algerie - là quá xa xôi với vị toàn quyền.

Một thế kỷ sau, những phóng viên Pháp quay lại Việt Nam và nhận ra: những giống nho huyền thoại của nước Pháp đang được trồng cẩn mật tại vùng đất này. Cuộc hành trình mà nước Pháp, với tất cả những bộ óc tinh hoa của nó, đã bỏ dở trong thế kỷ 20, được người Việt đưa về đích.

Cuối thập kỷ 90, thương hiệu "Vang Đà Lạt" xuất hiện trên thị trường. Ngay từ lúc bắt đầu làm vang, công ty thực phẩm Lâm Đồng Ladofoods đã hợp tác cùng Viện nghiên cứu Cây bông và Cây có sợi Nha Hố-Ninh Thuận, Trại giống nho Vĩnh Hảo để chọn trong số hơn 100 giống nho đang lưu giữ tại Việt Nam ra một số giống tiềm năng để khảo nghiệm.

Trong năm năm sau đó, cả 100 giống nho tại Việt Nam đều không mang lại sự tự tin cho những người làm vang. Ladofoods quyết định đặt những máy bay chở giống nho từ châu Âu về, ấp ủ một cuộc thử nghiệm lớn hơn. 

Nhưng ngay sau đó là hai vụ mùa mất trắng ở Đà Lạt. Trái nho của các cây nho nhập từ Pháp và Ý đưa về trồng tại Đà Lạt không thể ra được quả đủ chất lượng và sản lượng để sáng tạo được các dòng vang khác nhau do khí hậu độ ẩm cao và mưa nhiều, thậm chí cả vụ mùa nho bị nhạt và thối quả rất nhiều.

Những chai vang Chateau Dalat được làm từ nho trồng tại Việt Nam. 

Trong những năm sau đó, Ladofoods mời các chuyên gia Châu Âu về Việt Nam và nghiên cứu rà soát từng khu vực tại Đà Lạt và mở rộng ra các tỉnh lân cận để tìm thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. Cho đến khi vào sâu trong khu vực đất bỏ hoang với nhiều lớp đá ở Ninh Sơn - Ninh Thuận năm 2010-2011, các chuyên gia đã phát hiện sâu trong lớp đá núi, có thổ nhưỡng đất phù hợp để chồng nho vang kết hợp với khí hậu khô, ít mưa của khu vực này sẽ khiến trái nho phát triển tốt và cho ra trái nho phù hợp với việc phát triển vang. Năm 2012 Ladofoods đã bắt đầu phát triển vùng nguyên liệu trồng nho vừa phải để thử nghiệm, sau đó mở rộng vùng nguyên liệu lớn từ 2013.

Đó chính là vùng "đồng bằng Krong-Pha" ở thượng nguồn sông Cái mà ta bắt gặp trong những di cảo của Eugine. Những người làm vang Việt Nam đã đi nốt hành trình của các nhà thực vật học trứ danh nước Pháp sau đúng nửa thế kỷ.

"Chúng tôi là thương hiệu Vang của Việt Nam tham gia dự thi. Nhưng vì không có mã số dự thi dành cho chúng tôi, nên chúng tôi buộc phải lấy mã số của quốc gia khác. Kính mong Ban tổ chức mở mã quốc gia cho Việt Nam tham gia".

Năm 2016, người ta nhìn thấy một chai vang Chateau DaLat ở một cuộc thi vang quốc tế với dòng ghi chú bên cạnh. Ladofoods đã phải đem vang của mình ra quốc tế bằng mã số dự thi của nước bạn Thái Lan.

Trong mắt những người làm vang thế giới, và ngay cả chính những người Việt Nam, chưa bao giờ Việt Nam được đếm xỉa đến với tư cách một quốc gia làm vang.

Tết Âm lịch năm 2017, PGS Nguyễn Quốc Thịnh, trưởng bộ môn quản trị thương hiệu trường Thương mại rất ngạc nhiên khi đi ra hành lang Tập thể của trường và nhìn thấy cùng các vỏ giỏ quà đã được lột hết ruột bỏ ngoài hành lang là những chai Vang Đà Lạt nằm đó.

Thầy Thịnh bèn lẳng lặng mang những chai vang này về cất đi. Vào dịp đầu năm mới khi mọi người tụ tập đầu xuân tại nhà, thầy đã đem toàn bộ số vang đó trút vào bình chiết vang, rồi rót vào li mời mọi người uống. Sau khi đã thưởng thức vang, thầy hỏi: "Mọi người thấy vang thế nào?". Mọi người khen ngon và hỏi thầy vang ở đâu. Thầy bèn đem mấy vỏ chai vang ra và giải thích, đó là những chai vang mà mọi người đã bỏ đi ở hành lang không uống.

Định kiến về vang trong nước đã là rào cản lớn nhất để cho mọi người thực sự mở lòng và tìm hiểu thêm về Chateau DaLat và Vang Đà Lạt của Việt Nam.

Hình ảnh người trồng nho tại Ninh Thuận.

Khi bà Phạm Tuyết Hạnh, giám đốc Marketing của Ladofoods – Công ty sở hữu thương hiệu Chateau DaLat, Vang ĐàLạt đề xuất thông điệp: "Đến người Pháp cũng phải ngưỡng mộ", sự phản đối đến từ chính nội bộ. Nó là một thông điệp quá ngạo mạn, bà Hạnh nhận được phản hồi từ nhiều bên. Vang Đà Lạt, cho đến thời điểm đó, trong định kiến của người tiêu dùng, là thứ được chừa lại trong giỏ quà Tết.

Nhưng bà Hạnh tin vào những điều mà người làm vang và trồng nho của Việt Nam đã đạt được, tin vào những giàn nho trồng cọc theo kỹ thuật châu Âu với những giống nho lừng danh thế giới. Cuộc hành trình gian khó để tạo nên những trái nho sai mọng nhờ công nghệ phát triển và bàn tay tài hoa của các chuyên gia Việt Nam và Châu Âu tại Ninh Thuận, là điều ngay cả người Pháp cũng đã bỏ cuộc trong gần một thế kỷ có mặt tại mảnh đất này. 

Chất lượng của rượu vang mà người Việt Nam tạo ra cũng được ngay cả các giám khảo phương Tây, trong các cuộc thi quốc tế công nhận. Sản phẩm vang Chateau Dalat từng được giải Bạc trong cuộc thi vang quốc tế tại Hồng Kông năm 2016 (Cathay Pacific International Wine & Spirit Competition 2016) và giải Đồng trong cuộc thi vang quốc tế tại Mỹ năm 2017 (San Francisco International Wine Competition 2017). Chateau Dalat cũng là thương hiệu vang đầu tiên của Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Vang Thế giới Vineum Bodensee (Đức). Hành trình đó cần được trân trọng, chứ không phải là giới thiệu bằng tâm lý yếm thế.

Câu slogan "Đến người Pháp cũng phải ngưỡng mộ" được giữ nguyên, bất chấp những phản đối.

"Những người làm việc trong ngành rượu vang thế giới thực sự ngạc nhiên trước những gì người Việt Nam làm được. Ở đây không có gì là nói quá" - bà Hạnh khẳng định đầy kiêu hãnh.

"Vì đó đúng là một hành trình mà người Pháp cũng phải ngưỡng mộ. Chúng ta có thể tự hào về sự giàu có của ý chí con người Việt Nam, của sự đa dạng sinh học và tài nguyên không phải nơi nào cũng có, của khát vọng bứt phá – tất cả có thể được cảm nhận trong từng giọt vang tinh tuý, lắng đọng Chateau Dalat."

Bài: Bạch Dương
Tranh: Nguyễn Cẩm Anh