4h sáng, Phương Linh (30 tuổi, TP HCM) rời xe khách, mở điện thoại đặt Grab về nhà. Tài xế nhận cuốc chỉ sau vài phút, thêm 30 phút di chuyển về nhà, chị Linh vẫn kịp nghỉ ngơi trước khi bước vào ngày làm việc. Trước đây, mỗi lần đi xe khách từ quê vào TP HCM, chị thấp thỏm lo lắng vì không bắt được xe, đường thưa người vắng. Điều này hoàn toàn thay đổi từ khi chị biết đến Grab. Chị Linh chủ động bắt xe dù đêm muộn hay sáng sớm, người nhà cũng có thể theo dõi hành trình di chuyển từ xa.
Giống với chị Linh, thói quen của đa số người Việt dần thay đổi từ khi Grab xuất hiện. Cuộc sống của họ trở nên thuận tiện hơn, có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình giữa nhịp sống bận rộn.
Năm 2014, Grab đặt chân vào Việt Nam khi khái niệm "ứng dụng đặt xe công nghệ" còn xa lạ với nhiều người. "Thời ấy, mấy ai biết đặt xe công nghệ là gì đâu. Mọi người đi xe bus, gọi taxi qua tổng đài. Khi cần gấp thì đứng trên vỉa hè vẫy taxi, hay bắt tạm bác xe ôm đang chờ khách ngay góc ngã tư mà đi thôi", chị Phương Linh nhớ lại.
Trước khi có xe công nghệ, hành khách khó mà biết trước giá cả, cũng như thông tin tài xế, hay lộ trình di chuyển của mình. Nhờ có Grab, người dùng có thể tham khảo giá trước khi đặt xe, "mình yên tâm không sợ tình trạng lái xe chở đi vòng vòng mua đường để lấy thêm tiền", chị Linh nói thêm.
Chị cũng cảm thấy hài lòng khi với Grab, chị có thể tự tin chủ động trong việc đi lại của bản thân cũng như người thân. Bố mẹ chị cũng thoải mái khi các con đặt Grab cho mình đi thăm bạn bè, khám bệnh định kỳ. Với tài khoản Gia đình, ngồi trong văn phòng chị có thể theo dõi hành trình của bố mẹ.
Ít ai biết rằng, để trở thành thói quen không thể thiếu của người Việt như ngày hôm nay, cách đây 10 năm, đội ngũ Grab phải đi đến từng trạm xăng, từng quán cà phê, thậm chí từng ngóc ngách ngõ hẻm... tiếp cận các tài xế, thuyết phục họ tham gia nền tảng. Việc thuyết phục người dùng tin rằng đặt một chuyến xe qua ứng dụng Grab sẽ an toàn và tiện lợi hơn cũng là một thử thách. Bằng sự kiên trì và thấu hiểu, khởi đầu chỉ với 50 chuyến GrabTaxi tại TP HCM, đến nay Grab đã phát triển mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp, cung cấp dịch vụ trải dài các tỉnh thành tại Việt Nam.
Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, ngày càng nhiều người Việt bận rộn, không có đủ thời gian để tự chuẩn bị bữa ăn cho riêng mình. Vào bếp đã khó, nhưng để đến được nhà hàng yêu thích ở vị trí tương đối xa và thưởng thức bữa ngon với quỹ thời gian ít ỏi lại càng khó hơn. Vì thế, họ có nhu cầu đặt món ăn trực tuyến. Hay công việc bận rộn khiến nhiều người không thể đi chợ, và họ lại tiếp tục có nhu cầu đi chợ, đi siêu thị trực tuyến. Các dịch vụ GrabFood và GrabMart với những dịch giao đồ ăn, đi chợ trực tuyến ra đời để đáp ứng những nhu cầu thực tế ấy. Người tiêu dùng có thể tiếp cận với các dịch vụ số để cuộc sống trở nền liền mạch, thuận tiện hơn.
"Trong nhiều năm qua, đội ngũ Grab và tôi đã đi khắp Việt Nam để lắng nghe các đối tác tài xế và thương nhân, kể cả lời phàn nàn của họ. Đó là cơ sở để Grab cải tiến các công nghệ và dịch vụ, đáp ứng những nhu cầu chưa từng được ‘chạm tới’ của người dân bản địa", ông Alejandro Osorio, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết.
Liên tục đổi mới sáng tạo, sau 10 năm, Grab đã trở thành siêu ứng dụng với hơn 15 loại hình dịch vụ hằng ngày, từ di chuyển, giao nhận đồ ăn, đến vận chuyển hàng hoá.
Khi xe công nghệ ngày càng thu hút đông hành khách, ông Bùi Thảo (60 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã chuyển từ chạy xe ôm truyền thống sang Grab. Ông cho biết, cả thu nhập và phương thức làm việc của mình đã được cải thiện rất nhiều. Ông còn nhớ thời chạy xe ôm truyền thống, có những hôm ông dựng xe ở góc đường cả tiếng đồng hồ mà không có khách. Ông sốt ruột lái xe di chuyển sang điểm khác đứng chờ mà vẫn "ế", trong khi khách tới điểm cũ tìm ông thì không gặp. Bây giờ, với ứng dụng như Grab, ông dễ dàng kết nối với người có nhu cầu đi xe. Ông có thể chủ động sắp xếp thời gian để về nhà ăn bữa cơm với vợ con, ngả lưng trên võng, nghỉ ngơi nếu mệt. Ngoài dịch vụ chở khách, ứng dụng cung cấp thêm các dịch vụ giao hàng, đi chợ hay giao thức ăn cũng giúp ông Thảo tăng cơ hội thu nhập.
Một điều khiến ông Thảo hài lòng về công việc này là ông còn được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng do hãng xe tổ chức, trong đó có cả việc học tiếng Anh để giao tiếp với khách tốt hơn. "Được ứng dụng tổ chức đào tạo bài bản, đưa ra các quy chuẩn phục vụ khách hàng giúp tôi nhận được nhiều thiện cảm của khách đi xe hơn so với trước đây", ông Thảo chia sẻ. Theo ước tính của Grab, tính đến nay, hơn 200.000 đối tác tài xế Grab đã được nâng cao kỹ năng thông qua các khóa đào tạo trên GrabAcademy.
Với sự phát triển của Grab, anh Tuấn Giang (36 tuổi, Nhà Bè, TP HCM) cũng quyết định chuyển việc. Anh từng làm công nhân công trường cũng như nhiều nhà máy, từ chế biến thực phẩm đến cơ khí. Các công việc phải làm theo ca khiến anh không theo nổi, khi anh là bố đơn thân và có mẹ già sức khỏe kém.
"Thời làm công nhân, tôi hầu như không được lĩnh tiền chuyên cần, tôi cũng xin không tăng ca, và thường xuyên chuyển việc nên thu nhập khá thấp", anh Giang chia sẻ. Anh cho biết, với công việc chạy xe như hiện nay, một tháng sau khi trừ các khoản phí, anh có thể bỏ túi gần chục triệu đồng, cuộc sống dễ thở hơn, không còn cảnh phải vay mượn tứ tung như trước.
Điều anh cảm thấy khá hài lòng là dù chạy xe mang tính cá nhân cao nhưng anh vẫn có những hoạt động tập thể với các anh em trong cộng đồng tài xế, tham gia các sự kiện gắn kết do ứng dụng tổ chức. Tham gia tổ đội cũng giúp anh có thêm nhiều mối quan hệ thân thiết, nhận được sự hỗ trợ từ các anh em trong đội khi chẳng may gặp sự cố trên đường. Đặc biệt, nhờ các chương trình hỗ trợ tài chính do Grab hợp tác với các ngân hàng, anh có thể sửa lại căn nhà cấp 4 của gia đình ở Nhà Bè, giải quyết được tình trạng ngập lụt trong nhà từ thời anh còn bé. "Có nhà mới, mẹ và con tôi đều rất vui", anh Giang nói.
Việc Grab đáp ứng nhu cầu của người dùng cũng mở ra cơ hội kinh doanh cho các tiểu thương vừa, nhỏ và và siêu nhỏ. Chị Nguyễn Thùy (quận 7, TP HCM) ước mơ làm chủ một quán ăn từ khi còn đi học. Không đủ vốn thuê mặt bằng trên phố, chị Thùy mở quán bán đồ ăn sáng trước nhà, chỉ đủ kê hai chiếc bàn ăn nhỏ. Thực khách của chị chủ yếu là bà con loanh quanh trong hẻm. Chia sẻ về lý do đưa quán "lên app", chị nói do khách quen "mách" mở quán trên GrabFood để họ tiện đặt giao tới nhà, chị Thùy mạnh dạn đăng ký thử. "Tôi vẫn kê hai chiếc bàn nhỏ cho những khách muốn ăn tại chỗ, nhưng chủ yếu là bán mang đi", chị Thùy chia sẻ. Nhờ các chương trình quảng cáo trên ứng dụng, chị tiếp cận được nhiều khách ở xa, thậm chí còn được tham gia các buổi đào tạo do Grab tổ chức để vận hành quán hiệu quả hơn, cải thiện thực đơn, phát triển thương hiệu trên GrabFood. Sau 5 năm qua, chị Thùy cảm thấy hạnh phúc vì có thể thực hiện ước mơ của mình.
Chị Thu Loan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bán các nông sản từ quê gửi lên đã nhiều năm và vừa mở "sạp" trên GrabMart hồi đầu năm ngoái. "Trước đây, mình chủ yếu bán cho bạn bè, rồi mọi người giới thiệu nhau. Mở hàng trên GrabMart mình có thêm nhiều khách mới, doanh số cũng cao hơn". Chị cho biết, với quy mô kinh doanh mở rộng, chị đã nghỉ hẳn công việc hành chính nhân sự tại một công ty tư nhân để tập trung phát triển cửa hàng bán nông sản.
Theo ghi nhận của Grab, mức doanh thu trung bình hàng tháng của các đối tác nhà hàng trên GrabFood năm 2024 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2018 - năm đầu tiên ra mắt dịch vụ. Đặc biệt, so với năm 2019, số lượng đối tác thương nhân đăng ký hoạt động trên Grab cũng tăng gấp 5 lần.
Với năng lực công nghệ, hệ sinh thái vững mạnh, Grab cũng góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình, Grab đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai dự án "Xây cầu đến lớp" trong giai đoạn 2020-2024, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em vùng khó khăn đến trường thuận tiện, an toàn hơn. Dự án cũng góp phần cải thiện môi trường sống, phát triển xã hội và kinh tế của địa phương.
Với sự chung tay đóng góp của người dùng Grab, dự án đã xây dựng và đưa vào sử dụng 8 công trình cầu dân sinh, trong đó gồm hai cây cầu ở Vĩnh Long, hai cây cầu ở Hà Giang, một cây cầu ở Tiền Giang, một cây cầu ở Quảng Trị và hai cây cầu ở Lai Châu. Dự án đã giúp hơn 7.000 em học sinh, thầy cô giáo và người dân địa phương đi lại an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Cô Ngô Thị Thanh Tuyền, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cho biết vào ngày mưa lũ, học sinh ở các bản phải đi qua suối này gần như là nghỉ hết. Cô "rất vui vì cây cầu mới này sẽ giúp các em đến trường đầy đủ kể cả những ngày mưa gió. Nhà trường cũng duy trì được sĩ số học sinh đến lớp, đảm bảo công tác chuyên cần".
Bên cạnh đó, Grab cũng hợp tác với các bộ ban ngành để triển khai dự án GrabConnect. Dự án hướng đến việc kết nối nông sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến tay người tiêu dùng khắp cả nước. Nhờ mạng lưới đối tác nhà hàng GrabFood, đối tác cửa hàng GrabMart, hay tiểu thương sử dụng dịch vụ GrabExpress sẵn có từ nền tảng, một mạng lưới giao thương thuận lợi, rộng lớn được ra đời, mở ra kênh tiêu thụ mới cho bà con nông dân.
Grab đã giúp hơn 1.000 nông dân và hợp tác xã nông nghiệp được đào tạo về kỹ năng số, thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội và các giải pháp tiếp thị.
"Nhờ GrabConnect và GrabMart, tôi có thể tự quảng bá vườn sầu riêng của mình lên các kênh bán hàng online một cách hiệu quả. Chỉ sau vài tháng hợp tác, vườn sầu của tui ở Tây Ninh có sản lượng đầu ra tăng 30% so với cùng kỳ", ông Huỳnh Văn Quới, chủ vườn sầu riêng tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh chia sẻ.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai, ông Alejandro Osorio, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo chiến lược dài hạn. Theo đó, siêu ứng dụng này sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Đầu tiên, tăng cường năng lực kinh tế cho ngày càng nhiều người dân theo nhiều cách khác nhau thông qua chuyển đổi số. Tiếp theo là trở thành động lực quan trọng để góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các thành thị. Cuối cùng, đơn vị triển khai công nghệ mới đột phá ở quy mô lớn. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, với những mảnh ghép - những câu chuyện như của chị Linh, anh Giang, ông Thảo, chị Thùy, chị Loan, ông Quới... Grab có thêm động lực để theo đuổi chiến lược phát triển tiếp theo của mình.
Nội dung: Hoàng Anh | Ảnh: Grab