Thứ tư, 22/1/2025
Thứ hai, 11/3/2024, 10:44 (GMT+7)

Một tháng thám hiểm Nam Cực của nhiếp ảnh gia Việt

Một tháng lênh đênh trên tàu đến Nam Cực, nhiếp ảnh gia Ngọc Thiện được hòa mình vào thời tiết, địa hình, động vật hoang dã ở nơi anh gọi là "biên giới vĩ đại cuối cùng để con người khám phá".

Sau chuyến lặn biển ghi hình cá voi lưng gù ở vùng biển Đông Phi vào tháng 7/2023, Nguyễn Ngọc Thiện, nhiếp ảnh gia ở TP HCM, thực hiện chuyến thám hiểm tự túc các đảo cận Nam Cực và lục địa Nam Cực vào đầu năm 2024.

Anh Thiện là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải cuộc thi "Nhiếp ảnh đại dương quốc tế 2023" hạng mục "Những rạn san hô trên thế giới" và "Chân dung động vật biển" do tổ chức bảo tồn đại dương Ocean Geographic Society và tạp chí Ocean Geographic có trụ sở tại Australia tổ chức. Nam Cực là một trong những địa điểm anh mong muốn trải nghiệm một lần trong đời.

Vì hành trình dài, đi tự túc khá nhiều rủi ro và chi phí đắt đỏ, anh Thiện phải chuẩn bị và lên kế hoạch cho chuyến đi từ một năm trước. 31/1, nhiếp ảnh gia lên đường thực hiện chuyến đi mơ ước và trở về vào cuối tháng 2.

Địa điểm đầu tiên anh Thiện đặt chân đến là thành phố Ushuaia, Argentina. Ushuaia là thành phố có vị trí địa lý gần Nam Cực nhất so với tất cả các thành phố khác trên thế giới. Người Argentina tự hào gọi Ushuaia là "Fin del mundo" - Nơi tận cùng thế giới.

Được xem là Siberia của phương nam, ba hướng của Ushuaia được bao quanh bởi phần cuối của dãy núi Andes, hướng còn lại giáp biển về phía nam. Đây là nơi các con tàu thám hiểm xuôi theo eo biển Beagle tiến vào vùng biển nguy hiểm nhất thế giới - Drake Passage.

Ushuaia là thành phố có đa dạng hình thái thời tiết, biến chuyển liên tục, "từ mây mù âm u đến bình minh đỏ rực như lửa cháy, từ gió lốc, từ mưa phùn rét buốt đến màn trình diễn cầu vồng mãn nhãn ở đường chân trời", anh Thiện nói.

Từ bờ biển Argentina, anh Thiện đi tàu gần 700 km để đến quần đảo Falkland ở Nam Đại Tây Dương. Ở nơi có khí hậu khắc nghiệt và ẩm ướt quanh năm này, anh được chứng kiến thiên đường của các loài chim hoang dã, chim di cư và một số loài chim cánh cụt.

Sau khi đi 5 km địa hình đồi núi rồi xuyên qua đồng cỏ Tussac cao quá đầu người, anh Thiện đến một vách núi cheo leo để chiêm ngưỡng, chụp ảnh nơi làm tổ và chăm sóc con non của quần thể chim biển Albatross và chim cánh cụt Rockhopper.

Albatross (hải âu mày đen, ảnh) là một họ chim gồm khoảng 21-22 loài chim biển lớn, phân bố rộng rãi ở Nam Đại Dương và Bắc Thái Bình Dương. Còn chim cánh cụt Rockhopper là một trong những loài chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới, anh Thiện cho biết.

Tiếp tục di chuyển xa hơn đến vùng biển Nam Đại Tây Dương bằng tàu biển, nam du khách đến South Georgia, nằm giữa Argentina và Nam Cực. South Georgia là thiên đường hoang dã cận Nam Cực, nơi sở hữu hệ sinh thái đặc biệt hiếm có với núi tuyết, những đồng cỏ xanh rộng lớn và đường bờ biển dài. Đây là nơi có mật độ động vật hoang dã trên mỗi mét vuông dày đặc nhất thế giới.

Chim cánh cụt vua là loài "chiếm đóng toàn bộ đường bờ biển" và các cánh đồng cỏ ở vịnh St Andrew. Hơn 300.000 con chim cánh cụt vua cư trú trải dài từ bãi cát đen đến bờ các sông băng và chân núi tuyết.

Lần đầu tiên anh Thiện được tận mắt chứng kiến, tiếp cận và ghi hình quần thể King Penguins (chim cánh cụt vua) phân bố trên đảo với số lượng hàng triệu con. Đây là "cảnh tượng thiên nhiên hoang dã ngoạn mục nhất", khiến anh Thiện choáng ngợp pha lẫn phấn khích. "Tôi tự hào là một trong số rất ít người Việt Nam có cơ hội đặt chân lên hòn đảo để ghi hình về thiên nhiên hoang dã của vùng đất kỳ vĩ này", anh chia sẻ.

Đặt chân đến Antarctica (châu Nam Cực), "trước mắt tôi là một vùng đất băng giá khắc nghiệt, xa xôi và hoang sơ đến mức nơi đây vẫn là một trong những biên giới vĩ đại cuối cùng để con người khám phá", anh Thiện nói.

Các hoạt động khám phá Nam Cực thường diễn ra vào mùa hè, khi nhiệt độ dao động -1 độ C đến -10 độ C. Vào mùa đông, nơi này gần như không có ánh sáng mặt trời, nhiệt độ thấp nhất là -65 độ C và kéo dài trong suốt 6 tháng.

Tuy nhiên ngay cả vào mùa hè, có rất ít ánh sáng mặt trời chiếu đến đây. Thời tiết thay đổi liên tục từ nắng sang mưa tuyết dày đặc chỉ trong một tiếng. Đôi khi, ở đây xuất hiện những trận gió vùng địa cực với sức gió gần 200 km/giờ, khiến các tàu phải tìm nơi tránh và không thể đáp vào đất liền, anh Thiện cho biết.

"Thế giới băng giá" ở vịnh Thiên Đường (Paradise Bay) nổi tiếng với sự hoang sơ và tĩnh lặng, đến mức có thể thấy được ảnh phản chiếu của núi tuyết và sông băng soi bóng xuống mặt nước. Khi nhắm mắt lại, những người thám hiểm có thể nghe được tiếng các lớp băng tuyết đang dịch chuyển xung quanh, tiếng các mảng băng trôi va chạm vào nhau liên tục, hay tiếng của các loài động vật khuất sau những khối băng khổng lồ.

Nhóm anh Thiện ngồi trên tàu zodiac tiến vào các vịnh ở Nam Cực để khám phá hệ sinh thái động vật hoang dã ở cực Nam địa cầu như các loại chim cánh cụt Adelie, Gentoo, Chinstrap, các loài hải cẩu lông mao Fur Seal, hải cẩu Weddell, hải cẩu báo Leopard, cá voi lưng gù, cá voi sát thủ Orca.

Khi đi vào sâu hơn, tới những tảng băng trôi khổng lồ kỳ vĩ có niên đại hàng chục nghìn năm xuất hiện sừng sững, anh Thiện cảm giác như đang lạc vào kỷ băng hà ở Paradise Bay hay Cierva Cove. Khoảnh khắc được tận mắt chứng kiến và ghi hình tảng băng trôi A23a khiến anh Thiện "sốc" trước kích thước của nó. Đây là tảng băng trôi lớn nhất thế giới từng tách ra khỏi lục địa Nam Cực, nặng 1.000 tỷ tấn, rộng 4.000 km2 và có kích thước lớn gấp 3 lần diện tích của thành phố New York (Mỹ).

Trong quá trình di chuyển, nhiệt độ dần xuống thấp, các tảng băng trôi được hình thành rất nhanh. Sau khoảng vài chục phút, mặt nước đã xuất hiện dày đặc băng trôi, chắn gần như toàn bộ đường về. Người lái tàu phải len lỏi giữa các tảng băng trôi để tìm đường về trước khi trời tối và lạnh hơn.

Những ngày ở Nam Cực, anh Thiện đã có nhiều trải nghiệm như trekking trên miệng núi lửa ở Deception Island, trekking trên băng tuyết để lên những mỏm núi đá có tầm nhìn bao quát toàn bộ vùng biển băng giá Nam Cực bên ngoài Orne Habour.

Ở Nam Cực, hoàng hôn buông xuống vào khoảng 10h tối. Một lần, khi đang trên tàu nghỉ, anh Thiện phát hiện một con cá voi lưng gù nhô lên khỏi mặt nước và vẫy đuôi trước khi lặn xuống trong ánh sáng hoàng hôn cuối ngày.

Ở Nam Cực, mọi sinh hoạt cá nhân du khách đều thực hiện trên tàu. Bản thân anh Thiện là người từng có kinh nghiệm nhiều năm theo những con tàu lênh đênh trên biển để lặn biển và ghi hình các vùng biển trên thế giới, nhưng trong chuyến đi này nhiếp ảnh gia cũng cần chuẩn bị thuốc chống say sóng. Bên cạnh đó, anh chuẩn bị quần áo giữ nhiệt nhiều lớp, sử dụng balo hoặc túi chống nước, đem theo nhiều pin dự phòng vì các thiết bị điện tử nhanh cạn pin trong môi trường âm độ và luôn tuân thủ các quy định, hướng dẫn an toàn của thủy thủ, hướng dẫn viên trong suốt hành trình thám hiểm.

Thám hiểm Nam Cực là một hành trình tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và có thể là tính mạng. Khi di chuyển qua những vùng biển khắc nghiệt nhất hành tinh, tàu tường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong địa cực lên đến 200 km/giờ và những cơn sóng ngoài khơi cao 5-7 m. Chén đĩa rơi vỡ liên tục trong phòng ăn, đồ đạc trong cabin văng khắp nơi và người trên tàu phải bám chắc vào thành tường để có thể tắm gội mà không bị văng ra khỏi phòng tắm, anh Thiện nói.

Bên cạnh đó, điểm đến trên hành trình cũng là nơi nguy hiểm bởi xa xôi, vắng bóng người. Khi các nhà thám hiểm phải di chuyển, leo núi, đi bộ đường dài trên những địa hình đồi núi băng tuyết trơn trượt hay tiếp xúc với động vật hoang dã, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, các chuyến đi Nam Cực thường bắt buộc người tham gia phải mua bảo hiểm y tế. Loại bảo hiểm bao gồm chăm sóc y tế khẩn cấp và bảo hiểm sơ tán khẩn cấp ở Nam Cực bằng trực thăng với hạn mức tối thiểu 100.000 - 200.000 USD (khoảng 2,5 - 5 tỷ đồng).

Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net