Cao Bằng có nhiều cảnh quan du lịch nổi tiếng như Khu di tích lịch sử quốc gia Pác Bó, thác Bản Giốc hay động Ngườm Ngao. Vào mùa thu, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10, Cao Bằng khoác lên mình chiếc áo vàng lúa chín làm mê mẩn du khách.
Anh Hà Cương (42 tuổi) dành gần một tháng qua để quay lại các điểm lúa chín nổi bật ở Cao Bằng, làm video "Mùa vàng Cao Bằng nhìn từ trên cao" chia sẻ đến độc giả trong thời gian không thể đi du lịch vì Covid-19. Chia sẻ về đam mê du lịch, anh cho biết đã gác lại công việc chuyên môn và chu du khắp nơi, quay video quảng bá du lịch, nếp sống văn hóa, con người Cao Bằng. Các video đăng trên fanpage của anh được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Mùa lúa chín Cao Bằng qua video của anh Hà Cương hiện lên đẹp như tranh, với các điểm quay rải khắp từ huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa đến huyện Bảo Lạc.
Trong số các điểm trên thì Trùng Khánh, cách TP Cao Bằng gần 60 km được biết đến là "thiên đường du lịch" mùa lúa chín, hàng năm dịp này đều thu hút đông đảo nhiếp ảnh gia mọi miền đến tác nghiệp. Anh Cương cho biết năm nay mùa lúa chín gần như vắng du khách và các nhiếp ảnh gia, chủ yếu là khách nội địa.
Anh Hà Cương chia sẻ, đến các nơi quay mùa lùa chín có nhiều ấn tượng đẹp, được người dân chào đón, dù mỗi nơi một dân tộc khác nhau như Tày, Nùng tại Trùng Khánh, Lô Lô tại Khuổi Khon hay Sán Chỉ tại Hưng Đạo nhưng họ luôn niềm nở. "Ký ức tuổi thơ trong tôi như ùa về khi đi qua những bản làng thấy những đứa trẻ nô đùa, nhảy cầu tắm sông, đứa lớn biết phụ giúp bố mẹ gặt lúa, còn những đứa nhỏ thì chạy nhảy trên đống rơm".
Tùy theo đặc điểm địa hình từng nơi mà người dân có cách gặt lúa khác nhau, tại các thung lũng, bằng phẳng thì người dân gặt máy, còn các vùng xa xôi, địa hình dốc, chưa có điều kiện cơ giới hóa thì gặt tay.
Trong suốt hành trình quay lúa chín gần một tháng qua, anh Cương thường ghi hình vào sáng sớm và chiều, tối nghỉ ngơi tại homestay, rồi hôm sau lại đi tiếp. Trên đường đi anh lại có thêm bạn đồng hành cùng đam mê như Phan Quốc, chàng trai từ TP HCM mắc kẹt vì Covid-19 ở Cao Bằng. Hai người dành hai ngày hai đêm săn khoảnh khắc lúa chín tại Phong Nặm. Xa hơn tới Xuân Trường, Bảo Lạc anh đi cùng Phạm Hữu Tuyền, chủ Cà phê Tộc - một bảo tàng dân tộc thu nhỏ của Cao Bằng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chuyến đi săn lúa chín cũng được thuận lợi. Khi đến Ngọc Côn, Trùng Khánh, anh Cương gặp thời tiết xấu, đang bay flycam thì mưa nên phải hạ cánh khẩn. Dừng chân ở Xuân Trường, Bảo Lạc, vừa tới nơi thì mưa gió suốt một ngày nên anh phải đợi hôm sau mới quay được.
"Những hôm trời nắng đẹp ở Ngọc Côn thì lúa chưa chín. Lúc lúa chín đến nơi thì lại mưa, định mấy hôm sau quay lại ghi hình thì bà con đã gặt gần xong bằng máy, nên tôi không ưng ý lắm về cảnh quay tại Ngọc Côn. Hay tại Ngọc Khê thì hôm đó dòng nước chảy qua thung lũng lúa chín không được trong xanh", anh nói.
"Vất vả và đen nhất" có lẽ là hành trình 160 km từ TP Cao Bằng vào xóm Phiêng Lùng, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm. Đến Lý Bôn để di chuyển vào xóm Phiêng Lùng gần 20km là đường cấp phối nhưng bị sạt lở nhiều, nếu đi xe máy qua cầu gỗ nhỏ mới di chuyển tiếp được. Nhóm anh Hà Cương đi ôtô, chỉ cách Phiêng Lùng khoảng 10 km nữa nhưng cũng phải đành ngậm ngùi ra về.
Cao Bằng, tỉnh duy nhất trên cả nước không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đợt dịch thứ tư, giàu tiềm năng du lịch. Do đó việc quảng bá cần được đẩy mạnh để tương xứng với tiềm năng. "Qua các cảnh đẹp Cao Bằng, video mùa lúa chín, tôi mong muốn lan tỏa vẻ đẹp quê hương đến với mọi người", anh Hà Cương nói.
Huỳnh Phương
Ảnh: Hà Cương