Khoảng 6h sáng 24/2, Beskrovna, chuyên gia tài chính ở thành phố Mariupol, đông nam Ukraine, tỉnh giấc khi nghe thấy một vụ nổ lớn gần nhà.
"Cảm giác chói tai như đang xem bộ phim chiến tranh mà ngồi quá gần loa", cô nhớ lại. "Tôi đã hy vọng rằng tiếng động đó là do người hàng xóm đóng cửa cuốn quá mạnh, nhưng khi lướt mạng xã hội, tôi không thể tin vào mắt mình".
Tất cả bạn bè, người quen của cô trên mạng xã hội đều thông báo rằng Nga đã phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. "Những tiếng nổ, khói lửa, đạn pháo nổ ngay gần họ. Đó là cách chiến sự bắt đầu", Beskrovna kể.
Nhưng nhiều người lúc đó chưa nắm được tình hình, cười nhạo hoặc không tin rằng chiến sự đang xảy ra. Hầu hết người dân tại Mariupol nhận định tình hình sẽ giống như ở Donetsk, nơi phe ly khai đang kiểm soát, đồng thời cho rằng việc phá hủy thành phố không có lợi cho Nga.
Một số người đã quyết định rời khỏi Mariupol bằng ôtô ngay từ hôm đó. Một người bạn từ Donetsk lập tức liên lạc với Beskrovna, cảnh báo cô nên rời đi vì "mọi thứ có vẻ không ổn", song Beskrovna đã không thể tham gia làn sóng di tản đầu tiên vì không có xe.
"Một người bạn khác sống tại ngôi nhà có tầng hầm ở phía bên kia thành phố đã liên lạc, đề nghị chúng tôi tới đó trú ẩn", cô nói. "Một tầng hầm khô ráo bỗng trở nên thật xa xỉ".
Beskrovna lập tức cùng mẹ và đàn mèo tới nhà của người bạn. Cô không thể gặp lại cha, ông Oleksii Beskrovnyi, 66 tuổi, kể từ ngày 26/2. "Chúng tôi đã nhất trí rằng nếu có chuyện gì xảy ra, cha sẽ đi bộ đến nơi chúng tôi đang trú ẩn, song tôi vẫn chưa nghe tin gì từ ông", Beskrovna cho biết.
Beskrovna cho biết phải mất một thời gian, cô mới quen với thực tế rằng mình đang ở giữa thời chiến.
"Ban đầu, mọi thứ có vẻ giống như đang dự một bữa tiệc buồn chán kỳ lạ ở nhà người bạn. Chúng tôi có điện, các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động trong 2-3 ngày đầu, trước khi mạng lưới điện bị cắt", cô nói.
"Mọi thứ xoay chuyển đột ngột, không có nước nóng, phải quẹt diêm để nhóm bếp ga. Mọi hoạt động liên lạc phụ thuộc hoàn toàn vào mạng di động", Beskrovna nhớ lại. "Không có cách nào sạc laptop, điện thoại, đó là khi chúng tôi bắt đầu nhận ra mình cần diêm, nến và pin".
Cơ sở hạ tầng cấp nước và đường ống dẫn khí đốt cũng bị phá hủy trong giao tranh. "Chúng tôi phải tìm củi và nhóm lửa nấu nướng bên ngoài ngôi nhà, chứng kiến các đợt pháo kích liên tục trút xuống", cô cho biết.
Ngôi nhà nơi Beskrovna trú ẩn nằm trong vùng giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga, gồm đơn vị Dân quân Nhân dân Donetsk (DNR) và các đơn vị Chechnya. Trong tầng hầm có tổng cộng 32 người, gồm 6 trẻ em.
Bất cứ hoạt động nào bên ngoài tầng hầm đều có thể nguy hiểm đến tính mạng, bởi đạn pháo có thể rơi xuống bất thình lình, cùng đó là thời tiết lạnh giá và gió giật mạnh tại Mariupol.
Đạn pháo đã rơi trúng vài khu nhà, cửa hàng tạp hóa gần khu vực Beskrovna trú ẩn, khiến một số người thiệt mạng trong khi ngủ.
"Bạn sẽ không biết hôm nay là ngày gì, hay mấy giờ", cô nói. "Bạn không thể thay quần áo hay tắm gội trong cả một tháng, song ai cũng như vậy nên chẳng còn ai quan tâm. Đó là cách sống mà tôi không bao giờ nghĩ tới tại một thành phố công nghiệp phát triển trong thế kỷ 21".
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 14/4 tuyên bố Mariupol đã "bị phá hủy hoàn toàn", khoảng 95% thành phố trong tình trạng đổ nát.
Trong những ngày đó, mọi người dành phần lớn thời gian tìm cách sinh tồn và phải hợp tác với nhau để vượt qua khó khăn. "Chúng tôi chia thành các nhóm nhỏ, tìm nước, dọn vỏ đạn, xây một gian nhà phụ và một bếp lộ thiên". Beskrovna nhớ lại. "Đôi khi chúng tôi phải liều mình trông chừng bếp lửa mặc nguy cơ pháo kích, bởi đó có thể là bữa ăn cuối cùng trong đời".
Vadym Boichenko, thị trưởng Mariupol, ngày 13/4 ước tính khoảng 21.000 người đã thiệt mạng và 120.000 cư dân vẫn mắc kẹt trong thành phố, đối mặt với đói khát và giá lạnh trong gần 8 tuần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các cuộc pháo kích ở Mariupol chỉ chấm dứt khi "các tay súng dân tộc chủ nghĩa Ukraine ngừng kháng cự và đầu hàng", theo tuyên bố từ Điện Kremlin hôm 29/3. Nếu kiểm soát được Mariupol, lực lượng Nga sẽ nối thông được hành lang chiến lược từ Donbass tới Crimea và phong tỏa hoàn toàn cửa ngõ tiếp cận biển Azov của Ukraine.
Mạo hiểm tìm đường rời thành phố
Khi có tin đồn lan truyền rằng một số thường dân có thể trốn thoát qua các trạm kiểm soát, Beskrovna và một vài người quyết định thử vận may.
"Mọi người hẹn nhau lúc 6h sáng, buộc khăn trắng lên gương xe và dán tờ giấy có dòng chữ 'Trẻ em' lên kính chắn gió để báo hiệu mình là thường dân. Họ sau đó chia thành các mũi khác nhau, cầu nguyện mình không nằm lại bên đường do không còn hành lang sơ tán nhân đạo", cô cho biết.
Ngày 23/3, Beskrovna cùng 5 người lớn, mang theo 4 con mèo, khởi hành trên chiếc ôtô còn nửa bình xăng của người bạn chủ căn nhà trú ẩn, hướng tới các trạm kiểm soát bên ngoài thành phố để hướng tới thành phố Zaporizhzhia lân cận.
Khi vượt qua hai trạm kiểm soát của Ukraine và 16 trạm kiểm soát của Nga, Beskrovna lần đầu tiên chứng kiến mức độ thiệt hại của Mariupol sau một tháng giao tranh.
Quãng đường từ Mariupol đến Zaporizhzhia thường chỉ mất khoảng ba giờ, song hành trình của họ đã kéo dài tới 14,5 giờ. Beskrovna mô tả những gì nhìn thấy "như địa ngục" với nhiều thi thể, xác ôtô và xe tăng trên đường.
Beskrovna sau đó tới được Lviv, miền tây Ukraine, sau đó di tản đến Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, trong quá trình chờ xin tị nạn ở Canada. Mẹ con cô và đàn mèo cảm thấy được chào đón và giúp đỡ trong suốt chặng đường sơ tán. Đối với Beskrovna, đó là dấu hiệu của đoàn kết dân tộc.
"Tôi đã từng không tin rằng mình có thể thoát được khỏi Mariupol", Beskrovna nói, bày tỏ niềm tin rằng Ukraine sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu. "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bị đối xử như vậy".
Đức Trung (Theo Euronews)