Đợt dịch Covid-19 thứ tư khiến mùa du lịch hè đóng băng. Các công ty du lịch đóng cửa hoàn toàn; nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... không thể hoạt động trong nhiều tháng. Ảnh hưởng của Covid-19 tới du lịch giai đoạn này nặng nề hơn so với 2020. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa giảm 16% so với cùng kỳ 2020 và giảm 52% so 2019. Tổng doanh thu từ du lịch 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 137.000 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ 2020.
Lên kế hoạch phục hồi là việc mà những người làm du lịch đang hối hả để thích ứng kịp thời trong giai đoạn "bình thường mới".
"Cần bắt đầu luôn và ngay" là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước đối với giải pháp tour khép kín ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cuối tháng 9, hàng loạt địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng, TP HCM... đã mở lại du lịch nội tỉnh. TP HCM là một trong những nơi đi đầu với các tour khép kín tới Cần Giờ và Củ Chi dành cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và loạt tour thương mại sau đó. Giữa tháng 10, nhiều nơi bắt đầu thí điểm đón khách ngoại tỉnh tới các khu nghỉ dưỡng biệt lập hoặc khu du lịch khép kín.
Tour khép kín là hình thức tất cả những người tham gia đều phải có xét nghiệm âm tính nCoV, đã tiêm hai mũi và đi theo đúng chương trình định sẵn. Ngày 15/10, tỉnh Quảng Bình đón đoàn khách gồm 6 người từ TP HCM theo tour trải nghiệm các dịch vụ tại Chày Lập Farmstay, khám phá hang động Tú Làn. Đây cũng là đoàn đầu tiên cả nước đi liên tỉnh tour khép kín bằng đường hàng không kể từ khi du lịch "đóng băng" vì đợt dịch thứ tư. Sau đó cũng đã có hàng chục du khách đi tour tương tự từ TP HCM và sắp tới là Hà Nội.
Ngày 23/10, từ Hà Nội, tour khép kín đầu tiên gồm 17 người đi Bắc Giang, tham quan khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng... Hà Nội cũng có 60 du khách tham gia tour "Kiến trúc Pháp trong lòng thủ đô".
Ở phía Nam, một số nơi đón khách ngoại tỉnh trở lại từ giữa tháng 10, như Bà Rịa Vũng Tàu có 80 người đến nghỉ dưỡng tại The Grand Hồ Tràm Resort & Casino và Bình Châu Hot Springs tại huyện Xuyên Mộc dạng khép kín. Côn Đảo đón những đoàn đầu tiên tới nghỉ dưỡng tại Six Senses Con Dao ngày 23/10. Tỉnh Tây Ninh đón gần 100 người đi tour khép kín từ TP HCM chinh phục cáp treo Vân Sơn. Ngoài ra, một số công ty lữ hành cũng đã khai thác tour du lịch liên tuyến Củ Chi - Tây Ninh, bắt đầu có khách từ 21/10.
Song song với các tour khép kín, nhiều địa phương đã kết nối trao đổi du khách. Quảng Ninh và Hải Phòng mở các tour dành cho người dân hai tỉnh từ đầu tháng 11. TP HCM lên kế hoạch khôi phục du lịch với 3 giai đoạn từ 1/11, kết nối với Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và thống nhất mở chương trình đi lại giữa các địa phương, cũng từ 1/11.
Từ cuối tháng 9, hàng loạt tỉnh, thành đã cho phép các cơ sở lưu trú, khu vui chơi hoạt động trở lại.
Theo ghi nhận thực tế tại Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh khi được phép hoạt động, các khu nghỉ dưỡng như Melia Ba Vi Moutain Retreat, Avana Retreat, Mai Châu Hideaway, Serena Resort Kim Bôi, Tuần Châu, FLC Hạ Long... đã mở cửa, chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo an toàn đón khách. Nhiều nơi đã kín phòng vào các dịp cuối tuần của tháng 10 và tháng 11.
Các khu nghỉ dưỡng ở bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) như The Anam, Radisson Blu, Movenpick Cam Ranh, Cam Ranh Riviera, Noa Resort Cam Ranh... cũng mở cửa đón khách khi được Sở Du lịch thẩm định và xác nhận đáp ứng tiêu chí đánh giá thích ứng an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Các khu nghỉ dưỡng tại Mũi Né (Bình Thuận) cũng đã đón hàng trăm khách kể từ ngày 24/10.
4 khu nghỉ được UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho phép thí điểm đón khách thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch nội địa, gồm: Melia Hồ Tràm Resort, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino, Bình Châu Hot Springs và Six Senses Côn Đảo Resort.
Để đảm bảo quy trình khép kín, tất cả các đơn vị đều phải tuân thủ phòng dịch theo phương án đã được chính quyền phê duyệt, trong đó cả khách và chủ đều được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo 5K, có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực 72 giờ trước chuyến du lịch...
Các khu du lịch trên toàn quốc sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ, sản phẩm. Vinpearl, với 45 cơ sở khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí, sân golf... trên toàn quốc, áp dụng các quy trình nghiêm ngặt để sẵn sàng đón khách. Đại diện Vinpearl cho hay 100% nhân viên trực tiếp phục vụ du khách đang hoàn thành việc tiêm vaccine 2 mũi theo lộ trình trên toàn quốc. Bên cạnh tuân thủ hướng dẫn trong kế hoạch triển khai đón khách của các địa phương và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Vinpearl còn đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn nâng cao. Toàn bộ nhân viên phục vụ khách du lịch đều được khoanh vùng các bước sinh hoạt, theo dõi lịch trình tiếp xúc, kiểm tra thân nhiệt đầu và cuối ngày làm việc...
Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain (Tây Ninh) của Tập đoàn Sun Group được lựa chọn để đón khách từ TP HCM, theo chương trình phát triển tour liên tỉnh, liên vùng của 2 địa phương. Trong giai đoạn du lịch đóng băng, tập đoàn tập trung vào các công tác bảo trì bảo dưỡng, chỉnh trang toàn bộ các công trình khách sạn, khu vui chơi, hệ thống cáp treo tại Sa Pa (Lào Cai), TP Hạ Long (Quảng Ninh), TP Đà Nẵng...
Về phía công ty lữ hành, Vietravel đã mở lại hơn 30 văn phòng, sau hơn 4 tháng. Trong tháng 10, công ty tập trung vào nhóm sản phẩm tại TP HCM đến các vùng xanh như tour Cần Giờ (1-2 ngày), staycation, Vũng Tàu, Tây Ninh, tour đón người Việt về nước hay các chuyên gia đến Việt Nam làm việc... Tiếp đến trong tháng 11 công ty sẽ mở rộng ra sản phẩm liên vùng, với các sản phẩm đường bộ từ TP HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt và miền Tây.
Được lựa chọn là một trong những công ty lữ hành đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Vietravel đã liên hệ với các tối đác từ giữa tháng 9 và dự kiến có thể thực hiện 1-2 chuyến bay charter với 200-400 khách.
Các công ty lữ hành khác như Saigontourist, Lữ hành Fiditour, TSTtourist... cũng tổ chức hàng chục tour tới Cần Giờ, Củ Chi (TP HCM) và sắp tới là Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu.
Tại Khánh Hòa, Công ty Anex Việt Nam và Công ty CP Du lịch Nhật Minh đã kết nối lại với thị trường Nga và cam kết khi Việt Nam mở cửa trở lại sẽ đón hàng chục nghìn khách từ nước này theo chuyến bay thuê bao. Du khách tiêm đủ liều vaccine và có kết quả xét nghiệm sẽ tới nghỉ dưỡng tại khu vực Bãi Dài (Khánh Hòa).
Ngày 25/10, Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) đã trao giấy chứng nhận kiểm chuẩn y tế sân bay (AHA) cho Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Đây là minh chứng cho nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để sẵn sàng đón du khách quốc tế.
Kế hoạch thí điểm đón khách đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu vaccine đã được Chính phủ thông qua. Theo thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc dự định đón chuyến bay thử nghiệm đầu tiên từ 20/11, sau đó từ 20/12 triển khai theo lộ trình hai giai đoạn. 15 khu nghỉ dưỡng, 5 công ty lữ hành và 7 điểm vui chơi, giải trí được đề xuất đón khách. Tới nay, 100% dân số trên 18 tuổi ở thành phố đã tiêm vaccine mũi 1.
Tuy nhiên, đã đến tháng 11, Phú Quốc vẫn "án binh bất động". Các kế hoạch cụ thể chưa được công bố, khiến nhiều doanh nghiệp lưỡng lự, sợ đầu tư vội vàng không mang lại hiệu quả. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho biết việc đón khách quốc tế tới Phú Quốc là tín hiệu tốt nhưng cần có lộ trình sớm để doanh nghiệp không gặp khó khăn trong việc xúc tiến sản phẩm với đối tác và khách nước ngoài. Bên cạnh thông tin về quy trình đón khách, thì nội dung sản phẩm và giá cả cũng là điều họ quan tâm.
Trong khi Phú Quốc đang im ắng thì Khánh Hòa lại nổi lên là một địa phương tiềm năng có thể là nơi đầu tiên đón khách quốc tế. Một lợi thế ở Khánh Hòa là 100% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ vaccine. Công ty Nhà ga quốc tế Cam Ranh đã liên hệ với tất cả các hãng hàng không quốc tế có dự định bay đến Khánh Hòa. Hiện các hãng đều mong ngóng kế hoạch và phương án đón khách từ Việt Nam để kết nối trở lại.
UBND tỉnh đang triển khai mọi kế hoạch sau khi đã có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn đón khách quốc tế từ tháng 11. Sở Du lịch đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn riêng đối với cơ sở kinh doanh du lịch, đơn vị lữ hành, điểm đến để doanh nghiệp chủ động xúc tiến, kết nối lại với đối tác.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Lê Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết lộ trình thí điểm từng giai đoạn đã được tỉnh chủ động xây dựng để doanh nghiệp thuận lợi trong việc chuẩn bị lại chương trình xúc tiến, quảng bá và gói combo để có thể mở lại ngay khi được phép đón khách quốc tế. Hàng nghìn khách từ thị trường Nga đã đặt trước tour sẵn sàng sang Việt Nam.
Tiếp sau Khánh Hòa, UBND tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng đều đã lên kế hoạch và trình các cấp có thẩm quyền mong muốn đón khách quốc tế.
Ngày 18/10, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ trong lĩnh vực Du lịch. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng đã đánh giá đây là thời điểm chín muồi để mở cửa du lịch, giúp lan tỏa, kích thích phục hồi các ngành kinh tế khác.
Ông Khánh nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 128 là căn cứ quan trọng nhất. Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giao thông cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn để các doanh nghiệp và địa phương mong phục hồi du lịch có thể triển khai.
Các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp muốn quay trở lại đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ. Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua. "Đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin, để ngành du lịch có thể khôi phục lại trong thời điểm này", ông Khánh cho biết.
Tuy nhiên, du lịch nội địa cũng vất vả, chật vật khôi phục khi nhiều địa phương chưa thực sự nắm bắt tốt thời cơ là ý kiến của ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. "Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng, khi nào dịch được kiểm soát là các đoàn khách nội địa sẽ lên đường. Dù rằng doanh thu của du lịch nội địa không quyết định đến toàn ngành nhưng sự khởi động sẽ tạo ra sự hứng khởi cho du lịch và lan tỏa đến các ngành khác", ông Bình nói.
Hiện nhiều địa phương chưa thể đón khách vì độ phủ vaccine Covid-19 thấp. Địa phương quy định mỗi nơi một kiểu gây khó khăn khi mở cửa trở lại là ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp tại tọa đàm "Dìu nhau vượt khó - khởi đà du lịch" ngày 23/10.
Về phía địa phương, ông Tưởng Hữu Lộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng cho biết, hiện Lâm Đồng đã rất sẵn sàng đón khách nhưng độ phủ vaccine ở tỉnh này vẫn thấp. Đặc biệt nhiều nhân viên tại các công ty du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ chưa tiêm đủ 2 mũi. Dự kiến đầu tháng 12 tỉnh này mới có thể đón khách nội địa.
Ông Vũ Thế Bình đề xuất, các tỉnh thành có thể mở cửa du lịch tại những "vùng xanh", đón khách đã tiêm đủ liều vaccine, có xét nghiệm nCoV âm tính, kể cả khách nội địa và quốc tế. "Trong du lịch không có khái niệm biên giới giữa các địa phương, trong bối cảnh hiện tại cũng chỉ có khái niệm giữa các vùng an toàn và không an toàn. Tôi mong là các địa phương sẽ nghĩ thoáng một chút để phát triển du lịch trở lại", ông Bình nói.
Những tháng cuối năm 2021 và đầu 2022, mở cửa cho du lịch trong và ngoài nước bên cạnh tỷ lệ thành công cao cũng đi kèm rủi ro. Vì vậy, "nếu mở cửa trong khi các phương án và quy trình đón khách chưa hoàn thiện thì có nguy cơ cao sẽ phải đối diện với những khủng hoảng vượt ra khỏi phạm vi ngành du lịch, thậm chí còn gây ra các tác động tiêu cực", ông Đặng Mạnh Phước, chuyên viên tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting, cảnh báo.
Lan Hương - Huỳnh Nhi