Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 9/10, cho biết bé nhập viện sau hai ngày sốt cao, ho, sổ mũi, khò khè, khó thở, mệt, bú kém, tím tái, chỉ số nồng độ oxy máu SpO2 78% (bình thường 96-98%), nhịp tim nhanh. Xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và RT-PCR đều ghi nhận dương tính.
Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc Covid-19 nặng, điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục áp lực, truyền thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm, kháng đông. Siêu âm tim ghi nhận bé có cùng lúc hai tật tim phối hợp gồm thông liên nhĩ đường kính lỗ thông 6mm và tật còn ống động mạch đường kính 5mm.
Tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn, bé thở mệt, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, chuyển thở máy không xâm nhập nhưng vẫn không cải thiện. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa hai bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), bóng tim to, suy tim. Các bác sĩ quyết định đặt nội khí quản thở máy.
Theo bác sĩ Tiến, xét nghiệm máu ghi nhận biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh. Bé được hội chẩn truyền thêm kháng thể miễn dịch và điều trị các thuốc hỗ trợ tim, tăng sức co bóp cơ tim. Bệnh nhi cũng được điều trị hỗ trợ, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, hạ sốt, dinh dưỡng, xoay trở chống loét.
Tình trạng tiến triển khá dần, song bé gặp khó khăn khi cai máy thở. Các bác sĩ tim mạch hội chẩn, quyết định thông tim bít ống động mạch. Sau hơn một tháng điều trị, bé mới cai được máy thở, tỉnh táo, bú khá. Kết quả xét nghiệm RT-PCR ba lần âm tính, bé được chuyển đến theo dõi tại Khoa Tim mạch.
Bác sĩ Tiến đánh giá đây là trường hợp mắc Covid-19 nặng, nguy kịch ở trẻ nhũ nhi kèm tim bẩm sinh được cứu sống nhờ phối hợp nhiều chuyên khoa nhiễm, tim mạch, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh...
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh trong thời gian bình thường mới cần cẩn thận hơn khi ra đường đi làm, phải tuân thủ 5K. Đặc biệt, khi về nhà phải rửa tay, sát trùng tay, khử khuẩn kỹ trước khi tiếp xúc với trẻ, tốt nhất là duy trì đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn khi chăm sóc, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 sang trẻ. "Các vật dụng sử dụng như điện thoại, máy tính xách tay cần khử khuẩn trước khi đưa cho trẻ chơi", bác sĩ Tiến lưu ý.
Hiện, các bệnh viện TP HCM còn điều trị hơn 1.500 trẻ mắc Covid-19. Tỷ lệ trẻ diễn tiến nặng dưới 2%, chủ yếu trẻ có bệnh lý nền nặng hoặc thừa cân, béo phì. Hầu hết trẻ mắc Covid-19 có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng, được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu chủ quan không theo dõi trẻ có thể đến bệnh viện khi bệnh diễn tiến đã nặng khiến việc điều trị khó khăn.
Phụ huynh cần lưu ý khi trẻ khó thở, than mệt, gắng sức kém, vã mồ hôi nhiều, nói từng từ, từng câu ngắn, thở nhanh, gắng sức, nhịp tim nhanh hay SpO2 dưới 93% là phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện hoặc liên hệ ngay với tổ phản ứng nhanh tại địa phương.