Ngày 10/1, phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra năm 2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá, năm qua Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ nhiều vụ khó trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dự án đầu tư...; chỉ rõ sai phạm, kỷ luật cả Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức, nghỉ hưu với quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng kiểm tra, giám sát mang tính hình thức, nể nang, né tránh; chất lượng giám sát chuyên đề hạn chế. Một số tổ chức đảng chậm khắc phục vi phạm, thậm chí tái phạm phải kỷ luật. Vì vậy, ông Thưởng yêu cầu cảnh báo phòng ngừa vi phạm sau giám sát, không để lặp lại sai phạm.
Năm 2023, Thường trực Ban Bí thư đề nghị người đứng đầu tổ chức đảng các cấp nhận thức đúng vai trò của kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Bài học hai nhiệm kỳ qua cho thấy, nơi nào người đứng đầu thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra thì khuyết điểm, vi phạm ít đi.
Ủy ban kiểm tra các cấp cần nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh giao. Đặc biệt là tập trung kiểm tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC...
"Vừa qua, một Thứ trưởng Công an nói rằng qua một số vụ cho thấy nhiều cán bộ chưa biết sợ. Tôi đặt vấn đề, những sai phạm phải chăng do cán bộ tham lam, liều lĩnh, bất chấp mà vi phạm. Hay còn nguyên nhân khác về cơ chế, chính sách, ban hành quy định lỏng lẻo?", ông Thưởng nói.
Theo ông, điều xã hội băn khoăn, lo lắng là có tham nhũng chính sách hay không? Có phối hợp với nhau để làm chính sách lỏng lẻo, cho lợi ích nhóm dựa vào đó thao túng, làm bậy, hưởng lợi hay không? Những việc này phải tính toán để hạn chế tối đa. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ một số vụ, chỉ rõ tiêu cực "do cán bộ năng lực yếu kém hay giả ngây, giả ngô, chủ động vi phạm, nhưng không ngờ hậu quả xảy ra quá lớn".

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: Hoàng Phong
Ngoài ra, ông Thưởng đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; bảo vệ người chống tham nhũng; khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ông cho biết, vừa qua hai Phó thủ tướng đã tự giác nhận trách nhiệm chính trị, xin thôi nhiệm vụ vì để lĩnh vực phụ trách xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Việc định hướng, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát phải khả thi, thực chất, phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương, đơn vị. Giám sát phải mở rộng để kịp thời phát hiện, cảnh báo vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài, lan rộng. Kiểm tra có trọng tâm và kỷ luật phải nghiêm minh.
Ông Thưởng đề nghị ủy ban kiểm tra các cấp chú trọng địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, nơi nhiều khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc; cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống...
Kiểm tra, giám sát cần kết hợp với công tác cán bộ bởi thực tế có cán bộ được giao việc này thì làm được, nhưng việc khác thì không làm được. Có người được phân công nhiệm vụ liên quan đến tiền bạc "thì thế nào cũng có chuyện". Có người được giao làm tổ chức thì thế nào cũng đưa người nhà, đồng hương, thân quen lên. Vì vậy phải tính toán, phân công phù hợp, "dụng nhân như dụng mộc", để hạn chế sai phạm...
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, năm 2022, ủy ban kiểm tra các cấp đã kết luận 2.300 tổ chức đảng và hơn 8.000 đảng viên vi phạm; phải kỷ luật 333 tổ chức đảng và 3.900 đảng viên; đã kỷ luật 244 tổ chức đảng và 3.595 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương khai trừ 4 đảng viên; Bộ Chính trị kỷ luật 11 tổ chức đảng; Ban Bí thư kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên. 10 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương bị kỷ luật.
Nội dung vi phạm chủ yếu về công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản; thực hiện đề án nghiên cứu khoa học, dự án đầu tư; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ chống Covid-19; đưa công dân về nước trong đại dịch.