![]() |
Đoàn xe chở các thí sinh vùng lũ đi thi ĐH. |
Theo báo cáo ngày 5/7, tại Thái Nguyên, quốc lộ 3 bị ngập hơn 3 km, sâu 1,5 m; TP Thái Nguyên, các huyện Phú Lương, Định Hoá, Đại Từ ngập sâu dưới 1 m; đường từ Đại Từ đi Phổ Yên, đường 254 bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Mưa lũ đã làm 17 người chết, 3 người bị thương và gần 5.000 căn nhà bị ngập, bị cuốn trôi.
Tại Tuyên Quang, lũ các sông Phó Đáy, sông Lô và sông Gâm đã gây gập lụt tại thị trấn Sơn Dương, thị xã Tuyên Quang và các huyện, độ ngập sâu 2-3 m. Toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 9 người chết do lũ cuốn; 3.700 căn nhà bị ngập, đổ trôi; 2 cầu treo bị trôi; 58 km đường giao thông với 25 công trình thuỷ lợi bị ngập và hư hỏng nặng. Tuy nước đã bắt đầu rút nhưng còn đọng lại trên đường lớp đất đá có chỗ dày đến 40 cm. Thị xã Tuyên Quang đang trong cảnh mất điện, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.
Tính đến hôm qua, tại Vĩnh Phúc, 2.700 ha lúa bị chìm trong nước. Tuyến đê tả Phó Đáy bị tràn, vỡ ở một số vị trí, một vài điểm xuất hiện cung trượt dài 50 m. Lũ ống từ thượng nguồn sông Phó Đáy đã gây ngập một số xã trên địa bàn huyện Lập Thạch, ở hạ lưu đập chính tại hồ Bò Lạc xuất hiện một lỗ sủi... Đoạn quốc lộ 20 có trên 10 km từ xã Liễn Sơn đến xã Quang Sơn ngập sâu 0,5-2,5 m. Ước tính ban đầu có hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó hàng trăm hộ không kịp sơ tán tới nơi an toàn. Hơn 900 bộ đội trên địa bàn hợp sức cùng 800 thanh niên xung kích và hàng trăm cán bộ các ngành, các cấp liên quan tham gia chống tràn, cứu nạn. 55 người bị lũ cuốn trôi ở 2 huyện Lập Thạch và Tam Dương đã được cứu thoát. Đến 5h ngày hôm qua các điểm chống tràn đã chống xong.
Cũng trong ngày hôm qua, tại Bắc Kạn, hiện tượng sạt lở đất đá trên con đường vào huyện vẫn tiếp diễn. Ít nhất 20 điểm đã bị những khối đất, đá và cây cối lấp đầy. Công tác giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn do phải chuyển chướng ngại vật đi xa hơn 5 km mới có chỗ đổ, dự kiến mất một tuần nữa mới giải quyết xong. Phó giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Bắc Kạn Lý Văn Hải cho biết: "Chưa bao giờ tỉnh lộ Bắc Kạn lại chịu thiệt hại lớn gấp 2,5 lần so với dự trù kinh phí tu bổ hằng năm như hiện nay. Để khắc phục cơ bản, toàn bộ công nhân của công ty cộng thêm lao động thủ công hoạt động liên tục trong vòng 3 tháng mới ổn thỏa được". Tính chung, Bắc Kạn mất mát hơn 6 tỷ đồng sau trận mưa lũ này.
Diễn biến thời tiết còn phức tạp
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương, lũ sông Thái Bình và sông Lô vẫn lên nhanh. Dự báo tối nay (6/7), mực nước tại Phủ Lạng Thương lên đỉnh là 6,5 m (trên báo động 3 là 0,7 m); tại Lục Nam lên 6,2 m (trên báo động 3: 0,4 m); tại Phả Lại lên mức đỉnh là 6,4 m (trên báo động 3: 0,9 m).
Mức nước hạ lưu hệ thống sông Hồng tiếp tục tăng vào chiều ngày 5/7 đến tối 6/7. Mực nước đỉnh lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức 11 m, thấp hơn báo động 3 là 0,5 m.
Trung tâm Quốc gia Dự báo Khí tượng thuỷ văn (KTTV) cho biết, đêm 4/7, bão Utor đã vào biển Đông và là cơn bão số 3 ở Việt Nam từ đầu mùa mưa bão năm 2001 đến nay. Hồi 13h ngày 5/7, bão số 3 ở vị trí 20,9 độ vĩ Bắc, 117,2 độ kinh Đông, trên vùng biển Đông Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh đến cấp 12 (từ 118 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12. Chiều hôm qua, bão di chuyển theo hướng tây - tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Đài KTTV khu vực Nam Bộ dự báo: Trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu tiếp tục lên. Tại Tân Châu có khả năng lên 2,7 m, Châu Đốc: 2,2 m, sau đó còn tiếp tục lên.
Theo nhận định, bão số 3 ít ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nhưng có khả năng gây một đợt mưa, mưa vừa và dông ở một số nơi thuộc Bắc Bộ từ ngày 7/7 trở đi.
Tích cực phòng chống thiên tai
![]() |
Mưa lũ làm ách tắc giao thông tại trung tâm TP Thái Nguyên. |
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, việc hỗ trợ nhân dân các vùng lũ lụt ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... do các địa phương tự trích ngân sách giải quyết theo quyết định của Thủ tướng. Cụ thể, mỗi trường hợp thiệt mạng, gia đình được hỗ trợ 1 triệu đồng, các trường hợp bị thương được cấp thuốc và cấp cứu miễn phí tại các bệnh viện địa phương. Đối với thiệt hại về vật chất, các gia đình có nhà bị sập hoàn toàn do lũ lụt được hỗ trợ 1-1,5 triệu đồng để dựng lại nhà mới, các nhà bị hại tùy theo mức độ được hỗ trợ từ 500.000 đến 1 triệu đồng với điều kiện có đánh giá, xác nhận của chính quyền địa phương. Ngoài ra, các địa phương giải quyết hỗ trợ mỗi người dân vùng lũ lụt 3 tháng lương thực (15 kg/người/tháng), hỗ trợ giống, vật tư sản xuất theo quy định. Kinh phí hỗ trợ được trích từ ngân sách dự phòng Chính phủ cấp cho các địa phương, nếu chưa đủ, các địa phương lập ngay tờ trình đề nghị Thủ tướng xem xét cấp bổ sung.
Hôm qua, 5/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức phiên họp đầu tiên năm 2001 nhằm báo cáo về diễn biến thiên tai, tình hình triển khai công tác PCLB. Theo tổng hợp báo cáo của các tỉnh, tính đến ngày 5/7 thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2001 là 47 người chết, 43 người bị thương, 3 người mất tích và 12.000 căn nhà bị ngập, hư hại. Ước tính tổng thiệt hại lên tới gần 179 tỷ đồng.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, 6/7)