Ngân hàng Nhà nước vừa duyệt hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho khoảng chục nhà băng gồm Vietcombank, Sacombank, MB, VPBank, MSB, VIB, TPBank HDBank, ACB...
Phần lớn các nhà băng đề xuất nới hạn mức tín dụng đều đã sử dụng gần hết room được giao từ đầu năm. Lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần cho biết, nhà băng này còn phải "tiết kiệm" dư địa tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm để phòng dư cho các khách hàng đã được ký hợp đồng tín dụng nhưng chưa giải ngân.
Dưới đây là bảng tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm và hạn mức tín dụng của một số nhà băng vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Hạn mức tăng trưởng tín dụng mới của một số ngân hàng vẫn thấp hơn đề xuất trước đó. Như tại Vietcombank, nhà băng này đề xuất tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, chỉ tiêu được giao là 12,5%.
Ngân hàng | Tăng trưởng tín dụng 6 tháng (%) | Hạn mức cả năm (cũ/%) | Hạn mức cả năm (mới/%) |
Vietcombank | 9,8 | 10,5 | 12,5 |
Sacombank | 6 | 9 | 11,5 |
VIB | ~8,5 | 8,5 | 14-15 |
MSB | ~10,5 | 10,5 | 16 |
MB | 10,5 | 10,5 | 15 |
TPBank | 11 | 11,5 | 17,4 |
Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng được phép cho các ngân hàng. Hai nhà băng có vốn nhà nước chi phối là BIDV và VietinBank được giao 7,5%, Agribank 6,5%, Vietcombank 10,5%. Nhóm các nhà băng tư nhân được giao hạn mức tín dụng cao hơn.
Số liệu từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng tăng trưởng 6,47% so với hồi đầu năm. Mức tăng trưởng này tốt hơn so với nửa đầu năm ngoái (dưới 5%).
Một số chuyên gia nhiều lần đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc bỏ trần hạn mức tín dụng, nhưng theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc áp trần lúc này là cần thiết.
Khác với các thị trường có dòng vốn chứng khoán và trái phiếu phát triển, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế Việt Nam vẫn chiếm chủ yếu. Không quản lý tốt và hài hòa sẽ khiến một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt dẫn đến nguy cơ nợ xấu.
Quỳnh Trang