Theo nội quy các trường học, ban cán sự lớp gồm lớp trưởng và tổ trưởng được bầu theo sự tín nhiệm của học sinh, kết hợp định hướng của giáo viên. Nhiệm vụ của lớp trưởng là quản các bạn tự học, uốn nắn ý thức rèn luyện những thành viên trong lớp, nếu có đánh nhau thì can ngăn, báo cô giáo xử lý... Các tổ trưởng được quyền nhắc nhở, chấm điểm rèn luyện của thành viên tổ mình. Buổi sinh hoạt lớp, lớp trưởng sẽ tổng hợp sổ ghi chép của các tổ và nhận xét điểm tốt - xấu của cả lớp nói chung, từng tổ, cá nhân nói riêng.
Gần 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô Tạ Thị Vĩnh Hà (THCS Nam Trung Yên, Hà Nội) cho biết, một mình giáo viên chủ nhiệm không thể nào quản lý hết công việc cho lớp có mấy chục học sinh, do đó giao việc, giao quyền để ban cán sự lớp hỗ trợ là hợp lý. Tuy nhiên, khi giao quyền, giáo viên phải định hướng giúp những đứa trẻ đang trong quá trình định hình nhân cách không có tư tưởng lạm quyền, làm điều sai trái.
Cô Hà từng chứng kiến ban cán sự lớp cậy quyền bắt nạt, sai vặt bạn hoặc chấm điểm rèn luyện không công bằng để giảm tội cho bạn thân, xử nặng bạn mình ghét. Một số học sinh nịnh nọt ban cán sự để không bị ghi lỗi. "Ban đầu em cán bộ ấy rất tốt, nhưng sau được nịnh nọt nhiều trở nên thay đổi. Cũng có trường hợp cán bộ lộng hành, hay quát nạt, hạ hạnh kiểm của bạn", cô Hà kể.
Một bà mẹ có con làm lớp trưởng lớp 1 trong trường tiểu học có tiếng tại thủ đô cho biết, đôi lần chứng kiến con quát mắng, giằng co với bạn khi bạn làm sai. Có lần lớp trưởng đánh nhẹ vào vai một bạn gái rồi hôm sau bị phụ huynh của bạn dọa đem ra công an ngay trước lớp. "Tôi đã phải mời vị phụ huynh này ra ngoài nói chuyện vì không đồng tình với việc mắng trẻ trước các bạn, dù con làm đúng hay sai. Tôi cũng luôn ý thức việc trẻ con thích ra oai, không tránh khỏi chuyện dựa quyền mà bắt nạt các bạn nên thường xuyên nói chuyện, cùng cô giáo chủ nhiệm định hướng, giáo dục cho con", chị chia sẻ.
Ban đầu người mẹ này rất tự hào vì con được cô và các bạn tín nhiệm. Tuy nhiên, càng về sau chị càng không muốn con làm lớp trưởng nữa vì cô giao nhiều việc quá. Hàng sáng, lớp trưởng sẽ có 15 phút cho các bạn ở lớp truy bài. Những lúc cô vắng mặt, con được lên bục giảng quản lớp, cho các bạn đọc bài, bạn nào mất trật tự sẽ bị lớp trưởng ghi tên lên bảng chờ cô giáo về xử lý. Giờ ăn, lớp trưởng cùng cô chia cơm; giờ đi ngủ sẽ cùng cô trải phản, chia chăn... "Con rất thích công việc này còn cô giáo thì tâm sự lớp đông học sinh nên phải nhờ lớp trưởng trợ giúp, nhưng thấy con phải làm nhiều, tôi xót xa", chị tâm sự.
Lớp trưởng lớp 8 của một trường THCS quận Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: "Khi không có giáo viên, em có quyền xử lý các bạn trong lớp. Em cảm thấy oai, hãnh diện vì có nhiều quyền lực và được thầy cô tin tưởng, ưu ái. Tuy nhiên, phải gánh thêm công việc, thêm trách nhiệm, đôi khi em cảm thấy nặng nề". Lớp trưởng này kể, năm lớp 7 em từng bị một bạn ghét và lôi kéo các bạn khác nói xấu, tẩy chay khiến em khủng hoảng. Mất 3 tuần cố gắng, ra sức giúp đỡ các bạn, sự việc mới được giải quyết.
Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, tâm lý thích ra oai, làm "đại ca" là khá phổ biến ở người Việt Nam, trẻ em cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, số lớp trưởng đầu gấu, lạm quyền như trường hợp ở Trà Vinh chỉ là số ít. Để tránh tình trạng này, bà Hương cho rằng nên luân phiên cho các học sinh được giữ chức cán bộ lớp. Ban cán sự có thể được lập theo hình thức tự ứng cử để người làm có trách nhiệm hơn với công việc của mình. Bên cạnh đó, cần định hướng cho học sinh trong lớp hiểu mình có quyền phán xét và thay thế cán bộ nếu họ làm sai. Cùng với giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ là người có trách nhiệm lớn trong việc uốn nắn, hình thành tính cách, tư tưởng đạo đức đúng đắn cho học sinh.
"Việc tổ chức lớp tiểu học có mô hình ban cán sự được giao quyền hành là không nên bởi nếu cô không định hướng cẩn thận, sẽ khiến trẻ hình thành tư tưởng lạm quyền, áp bức bạn. Những đứa trẻ bị bắt nạt khác sẽ chấp nhận thế giới có người quyền lực hơn và nảy sinh hành động nịnh nọt. Ở nước ngoài, họ tổ chức lớp học không có ban cán bộ lớp, không có sự chênh lệch chức quyền giữa các học sinh. Việc mặc đồng phục cũng là để tôn sự bình đẳng", TS Hương chia sẻ.
Chủ nhiệm của hàng chục lứa học sinh cá biệt trường THCS Nam Trung Yên, cô Tạ Thị Vĩnh Hà cũng cho rằng, việc cán bộ lạm quyền hay không tất cả đều do cô chủ nhiệm. Phương pháp để tránh tư tưởng không tốt này cho trẻ được cô áp dụng là cho học sinh thay phiên làm lãnh đạo, nghe nhiều chiều để biết chính xác những vấn đề của lớp. Học sinh cá biệt cũng được giữ chức vụ nho nhỏ để em có trách nhiệm hơn và dần thay đổi tích cực.
Quỳnh Trang