Sáng nay (31/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phát biểu đầu tiên, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã nêu vấn đề gây bức xúc suốt thời gian qua, đó là tham nhũng.

Ông Lê Như Tiến phát biểu trong phiên họp sáng nay. Ảnh chụp màn hình.
Dẫn số liệu từ báo cáo quốc tế, đại biểu Lê Như Tiến cho hay chỉ số tham nhũng trong lĩnh vực công của Việt Nam xếp thứ 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu đánh giá theo thang điểm 10, Việt Nam chỉ đạt 3 điểm. "Nhiều công trình dự án là hệ quả của căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là căn bệnh hoành tráng, thèm ngân sách", ông nhấn mạnh.
Trong đó, căn bệnh được vị này chỉ riêng là tham nhũng biệt thự công. Tính đến tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở công vụ trên cả nước là hơn 1,6 triệu m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn chung cư… "Song một bộ phận cán bộ sau khi thôi chức vụ quản lý đã tự cho mình quyền sử dụng nhà công vụ vĩnh viễn, biến biệt thự công thành tư, thành chung cư gia đình cho con cháu ở, hoặc cho thuê để hàng tháng hưởng khoản tiền trời cho", đại biểu Lê Như Tiến dẫn chứng.
Do đó, ông đề nghị Chính phủ có chính sách quản lý phù hợp, bởi nếu được bán đấu giá, cho thuê đúng mục đích, biệt thự, nhà công vụ có thể "ngày ngày đẻ trứng vàng cho Nhà nước".
Phát biểu của đại biểu Lê Như Tiến về tham nhũng lĩnh vực công |
|
Đại biểu đề xuất nên đưa vào Bộ Luật hình sự tội danh mới là tham nhũng nhà công vụ. “Chúng ta lên án và xử lý nghiêm khắc những cán bộ nhận lót tay vài trăm ngàn, vài triệu đồng nhưng từ trước đến nay ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỷ đồng. Tôi tán thành với quan điểm cho rằng cán bộ quản lý là tài sản của quốc gia, cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt tuy nhiên nhà công vụ cũng là tài sản quốc gia, không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thanh tra Chính phủ tham gia cho ý kiến về vấn đề này.
Trong một cuộc họp với Ủy ban Pháp luật trước đó, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cái yếu liên quan nhà công vụ thời gian qua là quản lý, thực thi chứ không phải yếu về mặt pháp luật, cơ chế. Quy định đã rõ ràng nhưng không được thực hiện nghiêm túc, người được phân nhà công vụ cũng chưa nghiêm túc.
Theo thông tư 01của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà công vụ, 5 trường hợp thu hồi nhà ở công vụ gồm: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà; Người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác; Người thuê nhà có nhu cầu trả lại nhà; Người đang thuê nhà bị chết; Người thuê nhà sử dụng sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê mà cơ quan quản lý nhà ở công vụ có quyết định xử lý thu hồi. |
Phương Linh - Quang Dũng