![]() |
Chuẩn bị chụp cắt lớp cho bệnh nhân. |
1. Chụp CT
Tên đầy đủ của phương pháp CT là Computed tomography scanner, nghĩa là chụp cắt lớp điện toán theo trục. Đây là kỹ thuật X-quang đặc biệt cho phép quan sát hình ảnh cắt lớp các phần mô khác nhau của một cơ thể sống, giúp phát hiện chính xác các tổn thương. Trong đó, các tia X được phát ra song song, đi qua nhiều lớp mô mỏng và ghi lại hình ảnh mặt cắt của các lớp đó.
Kỹ thuật CT Scanner được nhà khoa học Anh Godfrey Hounsfield sáng tạo năm 1972 và nhận giải Nobel Y học năm 1979. Đầu tiên, các nhà y khoa chỉ sử dụng nó để nghiên cứu cấu trúc não. Đến năm 1975, nó được dùng để nghiên cứu toàn bộ cơ thể.
2. Nhấp nháy đồ
Còn được gọi là phương pháp ảnh nhận phóng xạ, kỹ thuật này có tên khoa học là Scintigraphy (Scintilla trong tiếng Latin có nghĩa là ngôi sao, còn graphein tiếng Hy Lạp là ghi nhận). Một chất đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể bệnh nhân, nó di chuyển rồi cố định tại các cơ quan. Phóng xạ do chất này phát ra sẽ được ghi nhận trên một máy đếm nhấp nháy đặt ngay trước vùng cần khảo sát. Những điểm nhấp nháy tạo thành hình ảnh của tạng hoặc của vùng cơ thể đã cố định chất đồng vị (mức độ rõ nét tùy thuộc vào tỷ lệ cố định chất này).
![]() |
Nhấp nháy đồ ở một bệnh nhân bướu cổ (chất phóng xạ phân bố không đồng đều ở 2 thùy tuyến giáp). |
Một trong các ứng dụng của kỹ thuật nhấp nháy đồ là nghiệm pháp iốt phóng xạ, giúp đánh giá hoạt động chức năng tuyến giáp. Bệnh nhân được tiêm hoặc uống một lượng nhỏ chất iốt phóng xạ (123 I, 133 I) rồi được đo tỷ lệ cố định phóng xạ. Tỷ lệ này chỉ đạt tối đa 30-50% sau 24 giờ nếu tuyến giáp hoạt động bình thường; đạt đến 80-95% chỉ sau 6 giờ nếu có bệnh lý basedow.
Ngoài ra, nhấp nháy đồ cũng được dùng để nghiên cứu:
- Hình thái, chức năng của tim và các động mạch lớn bằng cách tiêm chất đồng vị phóng xạ phát tán tia gamma (Technétium 99 m) vào tĩnh mạch rồi theo dõi sự di chuyển của nó qua màn hình.
- Đặc điểm của một số tạng khác như: gan, thận, não, phổi.
GS Trần Phương Hạnh, Sức Khỏe & Đời Sống