Chỉ nên uống loại sữa bò tươi đã được tiệt khuẩn. |
Bệnh lao ruột thường xuất hiện ở người trong độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi 30-55. Các tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn lao ở người và các loại khuẩn lao của bò, chim... Chúng xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi và các chế phẩm của sữa có trực khuẩn lao bò, bú sữa mẹ, sử dụng thức ăn và nước uống nhiễm trực khuẩn lao. Trong nhiều trường hợp, bệnh xuất hiện do vi khuẩn từ một ổ lao khác (đặc biệt là phổi) trên cơ thể đi qua đường máu, đường mật để vào ruột.
Triệu chứng lâm sàng của lao ruột khá âm thầm nên ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu. Biểu hiện chủ yếu là đau bụng âm ỉ kéo dài, gầy sút, chán ăn, có rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đôi khi kèm táo bón (dễ nhầm với bệnh viêm đại tràng do amíp hay tạp khuẩn), sốt về chiều (thường sốt không cao), ra mồ hôi.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng như tắc ruột, có khối u giống u đại tràng, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.
Lao ruột được điều trị chủ yếu bằng nội khoa. Hiện phương pháp DOTS (điều trị ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp) đang được áp dụng phổ biến. Bệnh nhân được dùng phối hợp 4 thứ thuốc (đối với lao mới) hoặc 5 thứ thuốc (đối với lao điều trị thất bại). Việc phẫu thuật chỉ được áp dụng trong trường hợp lao ruột có biến chứng (hơn 80% trường hợp biến chứng phải can thiệp bằng phương pháp này).
Để phòng lao ruột, cần giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý. Khi có các biểu hiện bệnh, phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây nguy hiểm cho cả bản thân và cộng đồng.
BS Nguyễn Đức Chính, Sức Khỏe & Đời Sống