Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Thính học Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, cho biết, đối với những trẻ bị điếc bẩm sinh, thính lực sẽ cải thiện tốt nhất nếu việc cấy ốc tai được thực hiện trước 5 tuổi. Nếu để quá lâu, vỏ não không được kích thích sẽ mất đi khả năng phân tích âm thanh. Để vỏ não hoạt động trở lại, cần tốn nhiều thời gian để kích thích.
Ốc tai điện tử có 2 phần, một phần được cấy vào tai, phần kia gắn ở ngoài tai để tiếp nhận âm thanh. Sau khi cấy, trẻ điếc (đặc biệt là trẻ điếc bẩm sinh) không thể giao tiếp bình thường ngay mà phải trải qua ít nhất 3 năm để tập nghe và nói. Ngoài việc tập luyện ở nhà trường và bệnh viện, trẻ cần tập nhiều tại nhà với cha mẹ và người thân. Khi có vốn từ tương đối, trẻ mới có thể giao tiếp và đi học ở trường bình thường.
Sự phục hồi sau phẫu thuật cấy điện ốc tai thường khác nhau ở từng bệnh nhân. Có trẻ nhìn miệng nói mới hiểu được, nhưng cũng có trẻ chỉ cần nghe âm thanh cũng hiểu được. Mức độ hồi phục tùy thuộc vào: kỹ thuật mổ của bác sĩ, thời điểm bị điếc (trước hay sau khi biết nói), chất lượng thần kinh thính giác, sự thông minh, nỗ lực của bệnh nhân và sự hỗ trợ của gia đình. Đối với trẻ đã biết nói nhưng sau đó bị điếc, việc tập nghe nói trở lại sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những bệnh nhân này cũng cần có thời gian dài tập luyện vì âm thanh đã được khuếch đại qua máy (tín hiệu điện) không giống như âm thanh mà trẻ đã nghe trước khi điếc.
Sau khi cấy ốc tai điện tử, nếu giữ gìn không cẩn thận, bệnh nhân có thể bị viêm tai giữa. Bệnh có thể ảnh hưởng đến tai trong và do đó ảnh hưởng đến máy. Vì vậy, cần tránh để nước rơi vào tai, nếu mắc bệnh viêm mũi, họng thì phải điều trị ngay; không nên vận động quá mạnh hay gây chấn động ở vùng đặt máy.
Bác sĩ Thủy cũng cho biết, để được cấy ốc tai điện tử, bệnh nhân cần đến bệnh viện khám và đo thính lực. Nếu được xác định là đủ điều kiện cấy thiết bị này, bệnh nhân cần đặt mua máy thông qua Công ty Yteco TP HCM. Giá mỗi máy khoảng 17.500 USD (chưa kể thuế giá trị gia tăng).
(Theo Người Lao Động)