![]() |
Các thuốc dùng trị cảm, sổ mũi nhằm đạt các tác dụng sau: - Giảm đau nhức và sốt. - Gây co mạch, chống xung huyết ở niêm mạc mũi (để trị sổ mũi, nghẹt mũi). - Kháng histamin trị dị ứng. Thuốc giảm đau hạ nhiệt thường được dùng là paracetamol. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc này quá thường xuyên và với liều quá cao. Nếu dùng quá liều (từ 6 đến 10 g mỗi ngày), dùng cho người có bệnh về gan, người cao tuổi (chức năng gan thường suy giảm) hoặc dùng lâu ngày, paracetamol có thể gây ngộ độc, tế bào gan bị thuốc hủy hoại. Thuốc gây co mạch, chống xung huyết ở niêm mạc mũi thường dùng là phenylpropanolamin (PPA), pseudoephedrin, neosynephrin, phenylephrin. Đây là các thuốc cường giao cảm, có tác dụng phụ nguy hiểm là làm tăng huyết áp. Nếu dùng thuốc dạng nhỏ mũi, tác hại sẽ thấp hơn so với đường uống, nhưng cũng không nên dùng kéo dài vì có thể gây nhờn thuốc, gây xung huyết thứ phát (khiến bệnh nhân nghẹt mũi nhiều hơn) và gây hại cho hệ thống lông mũi. Thuốc kháng histamin thường được dùng trị sổ mũi gồm clorpheniramin, diphenhydramin, tripolidin..., có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón, tiểu khó (có thể gây bí đái ở người bị phì đại tuyến tiền liệt). Thay vì dùng riêng từng loại thuốc trên, bệnh nhân có thể dùng các biệt dược kết hợp 3 tác dụng như Contac, Coldcap, Actifeel, Decolgen, Tiffy, Andol plus, Bénadryl... Một số biệt dược còn kết hợp cả thuốc trị ho (như dextromethorphan, codein), thuốc long đờm (guaifenesin, bromhexin). Khi dùng thuốc kết hợp, bệnh nhân cần lưu ý: - Nếu thuốc có chứa chất co mạch, chống xung huyết, cần tránh dùng cho người bị tăng huyết áp hay cường giáp. - Nếu thuốc có chứa chất kháng histamin, nên tránh dùng cho phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Người phải làm công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung (như lái xe, vận hành máy móc) cũng tránh dùng vì thuốc gây buồn ngủ. - Đối với trẻ nhỏ, cần tránh dùng thuốc trị cảm, sổ mũi có chất co mạch chống xung huyết vì thuốc có thể gây co mạch ở các cơ quan khác ngoài mũi như não, tim, đầu chi... Trẻ bị sốt chỉ nên dùng thuốc chứa paracetamol dạng nhỏ giọt pha uống hoặc dạng thuốc đạn nhét hậu môn. Nếu trẻ bị sổ mũi, có thể làm thông mũi bằng dụng cụ hút, que quấn bông gòn ở đầu, hoặc dùng vải sạch quấn thành bấc mũi để thấm, hút mũi cho trẻ. Nếu dịch mũi đặc, có thể nhỏ 1-2 giọt dung dịch nước muỗi loãng rồi thấm hút ra (người lớn cũng có thể dùng cách này hoặc xông nước lá bạch đàn, tràm, dầu gió). TS Nguyễn Hữu Đức, Sức Khoẻ & Đời Sống |